Blog xin phép trích dẫn lại câu hỏi của anh Linh Trần:
Để giải quyết bài toán này, chúng ta có thể áp dụng một số nội dung sau của chuẩn mực:
- Đối với IFRS 15:
– Material rights/Customer loyalty program;
– Principal versus agent considerations; - Đối với thông tư 200:
Điểm 3.6 Doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống, điều 79 – Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ;
Về cơ bản thì tinh thần của IFRS 15 và thông tư 200 trong việc xử lý tình huống này là như nhau. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ trích dẫn các quy định của Thông tư để việc ghi nhận kế toán thân thiện hơn với người đọc.
Đầu tiên, chúng ta hãy cùng làm quen với định nghĩa về “material rights” trong chuẩn mực IFRS 15. Thuật ngữ này được dịch ra tiếng Việt là “Các quyền đáng kể trong hợp đồng”. Vậy ý nghĩa chính xác của thuật ngữ này là gì?
Quyền đáng kể được định nghĩa là các quyền mà sẽ cung cấp cho khách hàng những lợi ích kinh tế mà khách hàng sẽ không nhận được nếu như không tham gia vào giao dịch hiện tại. Các quyền đáng kể thường có khả năng ảnh hưởng tới quyết định của khách hàng trong việc lựa chọn mua hàng.
Chương trình khách hàng thân thiết là một dạng của quyền đáng kể này. Theo đó, khách hàng khi tham gia vào chương trình và thực hiện giao dịch mua hàng sẽ được tích điểm trên mỗi giao dịch. Và khách hàng sẽ nhận được lợi ích từ số điểm này bằng việc giảm trừ giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ phải thanh toán trong tương lai.
Theo quan điểm của IFRS 15, về mặt bản chất, quyền đáng kể là một khoản ứng trước của khách hàng cho hàng hóa hoặc dịch vụ mà họ sẽ tiêu dùng trong tương lai. Thông tư 200 kế thừa tinh thần này của IFRS 15. Đó là lý do thông tư yêu cầu doanh nghiệp phải hoãn lại một phần doanh thu và ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện đối với chương trình dành cho khách hàng truyền thống:
“Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong chương trình dành cho khách hàng truyền thống, kế toán ghi nhận doanh thu trên cơ sở tổng số tiền thu được trừ đi phần doanh thu chưa thực hiện là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số tiền chiết khấu, giảm giá cho khách hàng:
Nợ các TK 112, 131
Có TK 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.”
Số dư có tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện trong trường hợp này tượng trưng cho số tiền mà khách hàng thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ trong tương lai, mà sau này khách hàng sẽ nhận lại được lợi ích thông qua việc giảm trừ giá trị phải thanh toán trong các lần tiếp theo.
Chúng ta có thể hình dung một bài toán kinh tế như thế này:
Hai công ty A và B đưa ra hai chương trình bán hàng như sau:
- Công ty A bán sản phẩm X với giá 9 đồng;
- Công ty B bán sản phầm X với giá 10 đồng, kèm theo tích 1 điểm. 1 điểm này sẽ được giảm trừ vào giá trị hàng hóa mà khách hàng phải thanh toán trong tương lai.
1 điểm ở đây chính là số tiền mà khách hàng trả trước cho Công ty B. Nếu không có chương trình này, số tiền mà khách hàng phải thanh toán cho sản phẩm X chỉ là 9 đồng.
Một vấn đề nữa trong chương trình dành cho khách hàng thân thiết (hay chương trình dành cho khách hàng truyền thống, theo cách gọi của thông tư 200), đó là cần xác định đơn vị tham gia vào chương trình đóng vai trò là chủ thể hay đại lý trong giao dịch liên quan tới chương trình này.
Nội dung sau tiếp tục được trích dẫn từ thông tư 200:
“Trường hợp bên thứ ba là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc chiết khấu giảm giá cho khách hàng thì thực hiện như sau:
+ Trường hợp doanh nghiệp đóng vai trò là đại lý của bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba đó được ghi nhận là doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba;
+ Trường hợp doanh nghiệp không đóng vai trò đại lý của bên thứ ba (giao dịch mua đứt, bán đoạn), toàn bộ khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.”
Quay trở lại với tình huống thảo luận của bài viết này. Theo như thông tin đưa ra trong tình huống, các công ty PV, VNS, TP, … chỉ đóng vai trò là đại lý trong giao dịch này.
Do thông tin trong tình huống thảo luận bị giới hạn, vì vậy, người viết sẽ đưa ra thêm một số giả định sau, có thể chưa đúng hoàn toàn với thực tế chương trình diễn ra, tuy nhiên cũng sẽ không khác biệt quá nhiều:
- Khi bán hàng và tích điểm cho khách hàng, công ty thành viên tham gia vào chương trình có nghĩa vụ phải chuyển trả cho đơn vị quản lý chương trình số tiền tương ứng với giá trị điểm tích lũy;
- Khi bán hàng và khách hàng sử dụng điểm tích lũy: công ty thành viên có quyền nhận tiền từ đơn vị quản lý chương trình số tiền tương ứng với giá trị điểm mà khách hàng sử dụng.
Số công nợ phải thu, phải trả này sau đó sẽ được bù trừ định kỳ, và các đơn vị thành viên được nhận tiền hoặc phải thanh toán tiền thêm cho Công ty DGL tùy theo tình trạng thực tế.
Đây là mô hình mà người viết đánh giá có tính khả thi trong việc quản lý khi triển khai trong thực tế.
1. Giả sử Cty PV bán đơn hàng trị giá 10 triệu đồng, tích điểm 3% trên đơn hàng => Trong trường hợp này Cty PV và Cty DGL xử lý về mặt kế toán như thế nào?
- Công ty PV:
+ Ghi nhận doanh thu 9,7 triệu đồng;
+ Ghi nhận phải trả DGL: 300.000 đồng.
Về bản chất, khoản 300.000 đồng này coi như là khoản mà PV thu hộ từ khách hàng cho các đơn vị thành viên tham gia chương trình. - Công ty DGL:
Ghi nhận phải thu PV: 300.000 đồng
2. Thứ hai: Giả sử Cty PV bán đơn hàng 3 triệu đồng cho khách hàng, khách thanh toán 2 triệu đồng, 1 triệu đồng bằng hình thức tiêu điểm (điểm này không nhất thiết phải là điểm tích được từ PV, mà có thể là của các Cty thành viên khác) => Trong trường hợp này Cty PV và Cty DGL xử lý về mặt kế toán như thế nào?
- Công ty PV:
+ Ghi nhận doanh thu: 3 triệu đồng;
+ Ghi nhận tăng tiền: 2 triệu đồng;
+ Ghi nhận phải thu DGL: 1 triệu đồng - Công ty DGL:
Ghi nhận phải trả PV: 1 triệu đồng
Sau giao dịch này, Công ty PV ghi nhận phải thu DGL số tiền 700.000 đồng, Công ty DGL ghi nhận phải trả PV số tiền 700.000 đồng. Số tiền này được Công ty DGL ghi nhận phải thu các đơn vị thành viên khác: VNS, TP, …
3. Cuối mỗi kỳ đối soát các Công ty thành viên và Cty DGL hạch toán kế toán như thế nào về việc tích điểm và tiêu điểm?
Xem lại hai mục trên. Các bên thực hiện bù trừ công nợ và điều chuyển dòng tiền phải thu, phải trả giữa các đơn vị với Công ty DGL đứng vai trò là trung gian.
Định kỳ, khi Công ty DGL thu phí quản lý của các công ty thành viên, DGL sẽ ghi nhận phải thu và doanh thu cung cấp dịch vụ. Đồng thời các đơn vị tham giá chương trình sẽ ghi nhận một khoản phải trả DGL và ghi tăng chi phí bán hàng.
Một số khóa học nổi bật