Kế toán chiết khấu thương mại

Bạn Phạm Trung Dũng có một câu hỏi gửi tới AIEC như sau:

“Anh cho em hỏi về việc ghi nhận theo VAS tài khoản 511 và 512 khi chiết khấu thương mại
Theo TT200:

– Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản chiết khấu thương mại cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã trừ chiết khấu thương mại) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản này, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã trừ chiết khấu thương mại (doanh thu thuần).

– Số chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng. Trường hợp này có thể phát sinh do người mua hàng nhiều lần mới đạt được lượng hàng mua được hưởng chiết khấu và khoản chiết khấu thương mại chỉ được xác định trong lần mua cuối cùng.

Cùng là chiết khấu thương mại mà cách hạch toán lại khác nhau dựa trên việc thể hiện của tờ hóa đơn. Vậy phần này có điều gì vô lý không ạ. Và kế toán quốc tế có khoản mục giảm giá hàng bán này không ạ”

AIEC trả lời câu hỏi này như sau:

Về mặt quy định thì khi khoản chiết khấu thương mại có thể thể hiện được ngay thì doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu theo giá trị thuần là phù hợp về mặt nguyên tắc.

Đối với hóa đơn chiết khấu thương mại được ghi riêng thì có hai trường hợp:

  • Hóa đơn này được xuất cùng năm với năm bán sản phẩm
  • Hóa đơn này được xuất ra sau năm mà doanh nghiệp bán sản phẩm

1. Trong trường hợp hóa đơn chiết khấu thương mại xuất cùng năm

Tình huống này thì giá trị doanh thu thuần không thay đổi. Chỉ khác là nó được điều chỉnh thông qua hai tài khoản khác nhau là 511 và 521. Về mặt báo cáo thì người sử dụng báo cáo họ sẽ quan tâm tới chỉ tiêu doanh thu thuần nhiều hơn.

Đối với kế toán quốc tế thì họ không có khái niệm “doanh thu và các khoản giảm trừ doanh thu” mà họ định nghĩa thế nào là doanh thu và thế nào không phải là doanh thu. Nên nếu theo đúng quy định của chuẩn mực IFRS 15 thì doanh nghiệp sẽ trình bày giá trị doanh thu trên báo cáo tài chính theo giá trị thuần sau khi đã trừ đi chiết khấu thương mại (chính là bằng giá trị 511 – 521 trên báo cáo được lập theo VAS).

Về cơ bản thì giá trị doanh thu thuần theo Việt Nam và quốc tế trong tình huống này là như nhau.

2. Trong trường hợp hóa đơn chiết khấu thương mại xuất khác năm

Một sai sót cơ bản của kế toán Việt Nam đó là họ sẽ nghĩ là hóa đơn chiết khấu thương mại xuất ra năm nào thì sẽ được đưa vào khoản giảm trừ doanh thu của năm đấy. Tuy nhiên điều này chưa chắc đã đúng.

VAS có chuẩn mực số 23 về “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”, em có thể tìm hiểu qua về chuẩn mực này thông qua bài viết sau:

Hiểu một cách cơ bản thì, trước khi phát hành báo cáo tài chính, nếu có bằng chứng cho thấy giá trị doanh thu được ghi nhận chưa chính xác thì doanh nghiệp sẽ phải sử dụng tất cả các thông tin tới thời điểm ghi nhận báo cáo tài chính để trình bày báo cáo một cách phù hợp.

Ví dụ:

Công ty A bán hàng cho công ty B trong năm N với tổng giá trị doanh thu là 10 tỷ đồng.
Ngày 15/02/N+1, công ty A phát hành một hóa đơn chiết khấu thương mại cho công ty B liên quan tới số hàng hóa đã bán trong năm N, giá trị chiết khấu là 2 tỷ đồng.
Ngày công ty A phê duyệt và phát hành báo cáo tài chính năm N là ngày 10/03/N+1

Lúc này, trên báo cáo tài chính năm N của công ty A cần thể hiện doanh thu thuần bán hàng hóa cho công ty B là 8 tỷ đồng.

Cách xử lý sai sẽ là trình bày doanh thu năm N là 10 tỷ đồng và giảm trừ doanh thu năm N+1 là 2 tỷ đồng. Do khoản 2 tỷ đồng này bản chất nó là khoản giảm trừ của năm N.

Tình huống này, sau khi điều chỉnh theo VAS 23 thì giá trị doanh thu thuần trên báo cáo Việt Nam và quốc tế là như nhau.

Vậy nếu hóa đơn chiết khấu thương mại xuất sau thời điểm doanh nghiệp phát hành báo cáo tài chính thì sao?

Đối với kế toán Việt Nam, nếu hóa đơn chiết khấu thương mại được xuất sau thời điểm doanh nghiệp phê duyệt báo cáo tài chính thì khoản chiết khấu thương mại này sẽ được ghi nhận tại thời điểm xuất hóa đơn.

Đối với kế toán quốc tế, IFRS 15 yêu cầu tại năm N, công ty A ước tính xem công ty B có đủ điều kiện được hưởng chiết khấu thương mại hay không.

Nếu công ty A ước tính là công ty B đủ điều kiện được hưởng chiết khấu thương mại thì công ty A chỉ ghi nhận giá trị doanh thu theo số thuần (sau khi trừ đi chiết khấu thương mại), mặc dù công ty A hoàn toàn chưa xuất hóa đơn giảm trừ chiết khấu thương mại.

Như vậy, lúc này sẽ có khác biệt giữa báo cáo lập theo chuẩn mực Việt Nam và báo cáo được lập theo chuẩn mực quốc tế.

Nếu công ty A ước tính là công ty B không đủ điều kiện được hưởng chiết khấu thương mại, nhưng sau đó sang năm N+1, công ty B lại đủ điều kiện được hưởng thì công ty A sẽ ghi nhận doanh thu năm N theo số chưa trừ chiết khấu. Còn khoản chiết khấu thương mại sẽ được ghi nhận giảm doanh thu năm N+1.

Tình huống này có thể thấy là cách xử lý của Việt Nam và quốc tế sẽ giống nhau.

Kết luận là trong đa phần các trường hợp, cách xử lý của kế toán Việt Nam và quốc tế sẽ cho gia giá trị doanh thu thuần giống nhau. Giá trị này có thể khác nhau trong 2 trường hợp:

  • Kế toán Việt Nam làm sai, không biết cách trình bày báo cáo theo chuẩn mực VAS 23; hoặc
  • Thời điểm phát hành hóa đơn chiết khấu thương mại sau thời điểm phát hành báo cáo tài chính, và bên bán ước tính là bên mua đủ điều kiện được hưởng chiết khấu thương mại, nhưng do chưa có hóa đơn nên kế toán Việt Nam chưa cho phép ghi nhận khoản giảm trừ doanh thu vào báo cáo của năm phát sinh.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments