Đoạn 14, chuẩn mực kế toán Việt Nam số 03 về Tài sản cố định hữu hình quy định:
“Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, như: Chi phí chuẩn bị mặt bằng; Chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu; Chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử); Chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác.”
Điểm đ, khoản 2, điều 4, thông tư 45/2013/TT-BTC quy định về nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất như sau:
“Nguyên giá TSCĐ là quyền sử dụng đất được xác định là toàn bộ khoản tiền chi ra để có quyền sử dụng đất hợp pháp cộng (+) các chi phí cho đền bù giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ (không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất); hoặc là giá trị quyền sử dụng đất nhận góp vốn.”
Như vậy, theo quy định của chuẩn mực kế toán hiện hành và các văn bản pháp luật có liên quan thì chi phí chuẩn bị, san lấp mặt bằng là một khoản chi phí đủ điều kiện vốn hóa vào giá trị tài sản.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu như thế nào cho đúng về các khoản chi phí chuẩn bị mặt bằng, san lấp mặt bằng này? Và liệu có phải tất cả các khoản chi phí này đều được vốn hóa vào giá trị tài sản xây dựng hay không?
Để trả lời cho câu hỏi trên, hãy cùng xem xét hai ví dụ dưới đây:
Ví dụ 1:
Công ty A mua đất và tài sản trên đất, sau đó phá dỡ các tài sản này đi để xây dựng một dự án mới. Hỏi kế toán đối với giá trị của đất, giá trị tài sản trên đất (đã bị phá dỡ) và chi phí phá dỡ như thế nào?
Ví dụ 2:
Công ty A có một tòa nhà đang sử dụng với mục đích làm tòa nhà văn phòng. Công ty quyết định phá dỡ tòa nhà này đi để xây dựng một tòa nhà mới với mục đích sử dụng khác, ví dụ: làm xưởng may. Hỏi kế toán đối với giá trị còn lại của tòa nhà cũ và chi phí phá dỡ tòa nhà cũ như thế nào? Có vốn hóa vào giá trị tòa nhà mới xây dựng được không?
Phân tích:
Để hiểu được phương thức ghi nhận kế toán trong từng trường hợp, chúng ta cần hiểu được lý do và mục đích của doanh nghiệp dẫn tới việc phát sinh các khoản chi phí này trong từng trường hợp.
1. Đối với ví dụ 1
Trong trường hợp này, về mặt hình thức, Công ty A mua đất và tài sản trên đất. Tuy nhiên, tài sản trên đất hoàn toàn không hề có chút giá trị sử dụng nào đối với Công ty A, bằng chứng là việc Công ty A đã thực hiện phá dỡ các tài sản này ngay sau khi mua về.
Do vậy, về mặt bản chất, số tiền mà Công ty A bỏ ra là để mua về quyền sử dụng đất. Toàn bộ số tiền mà Công ty A bỏ ra để mua đất và tài sản trên đất, được phân bổ và ghi nhận vào giá trị quyền sử dụng đất.
Đối với chi phí phá dỡ, vì đây là chi phí cần thiết cho việc thực hiện dự án mới. Do vậy, chi phí này sẽ được vốn hóa vào giá trị dự án.
2. Đối với ví dụ 2
Trường hợp này có bản chất khác với trường hợp được thảo luận tại ví dụ 1 ở trên, do đó việc ghi nhận kế toán cũng sẽ có những sự khác biệt.
Mặc dù trong ví dụ số 2, Công ty A cũng phát sinh các chi phí phá dỡ, tuy nhiên các chi phí này là các chi phí gắn liền với tài sản cũ, không phải là các chi phí liên quan trực tiếp tới việc xây dựng dự án nhà xưởng mới.
Để xác định được phương thức ghi nhận kế toán một cách phù hợp trong ví dụ này, chúng ta cần phải hiểu được bản chất kinh tế đằng sau những quyết định trên, cũng như các khác biệt so với trường hợp tại ví dụ 1.
Việc Công ty A đi tới quyết định phá dỡ tòa nhà hiện tại để xây dựng nhà xưởng, cho thấy rằng tòa nhà hiện tại đang không mang lại các lợi ích kinh tế cho Công ty A, ít nhất là so với phương án đầu tư xây dựng một dự án mới.
Vì vậy, các chi phí như giá trị còn lại của tòa nhà cũ, cùng với chi phí phá dỡ tòa nhà cũ cần phải được ghi nhận vào chi phí trong kỳ, để phản ánh được bản chất kinh tế của sự kiện. Đây là các chi phí gắn liền với tài sản cũ (ít mang lại hiệu quả kinh tế) và do vậy, không được vốn hóa vào giá trị dự án mới xây dựng.
Chi phí phá dỡ tòa nhà cũ được ghi nhận vào chi phí trong kỳ khi phát sinh.
Đối với giá trị còn lại của tòa nhà cũ, tại thời điểm mà Công ty có kế hoạch sẽ phá dỡ tòa nhà để xây dựng dự án mới, Công ty cần xác định về việc giảm giá trị của tài sản do tổn thất (nếu có) cũng như xác định lại thời gian sử dụng hữu ích còn lại của tài sản. Chi tiết tham khảo thêm bài viết dưới đây:
Tại thời điểm Công ty A thực tế triển khai phá dỡ tòa nhà, tòa nhà trên đã được khấu hao hết, giá trị còn lại bằng không.
Một số khóa học nổi bật