Sự phù hợp giữa doanh thu và chi phí

Nguyên tắc phù hợp trong kế toán được định nghĩa như sau:

“Việc ghi nhận doanh thu và chi phí phải phù hợp với nhau. Khi ghi nhận một khoản doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó. Chi phí tương ứng với doanh thu gồm chi phí của kỳ tạo ra doanh thu và chi phí của các kỳ trước hoặc chi phí phải trả nhưng liên quan đến doanh thu của kỳ đó.”

Trích VAS 01 – Chuẩn mực chung.

Như vậy, một câu hỏi đặt ra đó là, liệu kế toán có luôn phải ghi nhận một khoản chi phí giá vốn để phù hợp với việc ghi nhận doanh thu? Việc ghi nhận doanh thu mà không có giá vốn đi kèm có phải đã vi phạm nguyên tắc phù hợp hay không?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lại định nghĩa như thế nào là một khoản thu nhập hoặc chi phí.

Đoạn 4.68 và 4.69 của Conceptual Framework for Financial Reporting định nghĩa về thu nhập và chi phí như sau:

“4.68 Thu nhập là sự gia tăng trong tài sản, hay giảm đi của nợ phải trả, dẫn đến sự gia tăng vốn chủ sở hữu, mà không phải là các khoản góp vốn của người nắm giữ vốn chủ sở hữu.

4.69 Chi phí là sự giảm đi của tài sản, hay sự gia tăng của nợ phải trả, dẫn đến sự giảm đi của vốn chủ sở hữu, mà không phải là phân phối cho người nắm giữ vốn chủ sở hữu.”

Từ định nghĩa này, có thể thấy thu nhập và chi phí được định nghĩa dựa trên sự thay đổi trong tài sản và nợ phải trả, mà sự thay đổi này không phát sinh từ các giao dịch với chủ sở hữu với tư cách là chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Điều này có nghĩa là gì?

Căn cứ vào định nghĩa này, thu nhập và chi phí là hệ quả của sự thay đổi trong tài sản hoặc nợ phải trả của doanh nghiệp. Khi tài sản hoặc nợ phải trả có sự thay đổi thì việc ghi nhận các sự thay đổi này cũng sẽ hình thành nên việc ghi nhận thu nhập và chi phí trên báo cáo tài chính.

Ví dụ:

Doanh nghiệp bán hàng tồn kho với giá 10 đồng, giá thành của hàng tồn kho là 8 đồng. Việc ghi nhận doanh thu và giá vốn sẽ được thực hiện như sau:

– Doanh nghiệp thu được 10 đồng từ khách hàng, dẫn tới giá trị tài sản trên báo cáo tài chính tăng. Doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đồng thời với việc ghi nhận tăng tài sản. Bút toán hạch toán: Nợ TK 131, 112/Có TK 511

– Vì hàng hóa đã được chuyển giao cho khách hàng, doanh nghiệp không còn quyền sở hữu đối với số hàng hóa trên nữa. Do vậy, doanh nghiệp phải ghi giảm tài sản (hàng tồn kho) trên báo cáo tài chính của mình. Và doanh nghiệp ghi nhận chi phí giá vốn đồng thời với việc ghi giảm tài sản này. Bút toán hạch toán: Nợ TK 632/Có TK 155, 156

Từ ví dụ trên, có thể thấy, doanh thu và giá vốn phát sinh từ nghiệp vụ trên được ghi nhận đồng thời với nhau. Tuy nhiên, việc ghi nhận này nhằm mục đích phản ánh chính xác giá trị tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Việc tuân thủ nguyên tắc phù hợp chỉ là hệ quả của quá trình này, chứ không phải là mục tiêu cần đạt được.

Trong kế toán hiện đại, nguyên tắc phù hợp dần đánh mất đi vai trò của nó. Conceptual Framework gần như không đề cập tới nguyên tắc này, ngoài một số nội dung tại đoạn 5.5:

“5.5 Ghi nhận ban đầu của tài sản hay nợ phải trả phát sinh từ các giao dịch hay sự kiện khác có thể dẫn đến ghi nhận đồng thời cả thu nhập và chi phí liên quan. Ví dụ, việc bán hàng thu tiền mặt dẫn đến ghi nhận thu nhập (từ việc ghi nhận một tài sản – tiền mặt) và chi phí (từ việc xóa sổ một tài sản khác – hàng hóa được bán). Việc ghi nhận đồng thời thu nhập và chi phí liên quan đôi khi được gọi là nguyên tắc phù hợp giữa thu nhập và chi phí. Việc áp dụng các quy định trong Khung Khái niệm dẫn đến việc thỏa mãn nguyên tắc phù hợp như là một hệ quả từ việc ghi nhận thay đổi trong tài sản và nợ phải trả. Tuy nhiên, nguyên tắc phù hợp giữa thu nhập và chi phí không phải là mục tiêu của Khung Khái niệm. Khung Khái niệm không cho phép ghi nhận trong báo cáo tình hình tài chính các khoản mục không thỏa mãn định nghĩa về tài sản, nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu.”

Từ các thảo luận trên, có thể thấy, đối với kế toán hiện đại thì nguyên tắc phù hợp không còn quá quan trọng nữa. Nó đơn thuần chỉ còn là hệ quả từ việc áp dụng các quy định khác, thay vì là một nguyên tắc mà kế toán phải tuân thủ.

Quay trở lại vấn đề mà chúng ta đưa ra để thảo luận ở đầu bài viết này: Việc ghi nhận doanh thu mà không có giá vốn đi kèm có phải luôn không đúng hay không?

Câu trả lời là không. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ghi nhận doanh thu mà không có giá vốn đi kèm.

Ví dụ:

Công ty A kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn. Chi phí đầu tư xây dựng khách sạn X là 500 tỷ đồng.

Thời gian sử dụng kinh tế ước tính của khách sạn X là 50 năm.

Công ty A dự định sẽ khai thác khách sạn X trong 30 năm, sau đó sẽ chuyển giao lại cho một đơn vị khác.

Giá trị thanh lý ước tính 30 năm sau của khách sạn X là 600 tỷ đồng.

Khách sạn X được công ty A phân loại trên báo cáo tài chính là tài sản cố định hữu hình.

Bỏ qua các chi phí giá vốn khác cho việc vận hành khách sạn. Định kỳ, công ty A ghi nhận doanh thu từ việc kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, do giá trị thanh lý ước tính của khách sạn X lớn hơn nguyên giá, Công ty A không trích khấu hao đối với khách sạn X.

Trong trường hợp này, nếu như kế toán trích khấu hao khách sạn X vào giá vốn hàng bán nhằm đảm bảo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí thì lúc này, kế toán lại đang làm sai so với quy định của chuẩn mực.

Vì không có sự suy giảm giá trị của tài sản, nên không có chi phí nào được ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

2 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments