Phân biệt thuê tài chính và thuê hoạt động tài sản

Để phân biệt giữa thuê tài chính và thuê hoạt động tài sản, chúng ta cần phải hiểu được như thế nào là thuê tài chính và như thế nào là thuê hoạt động.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 06 (VAS 06) về thuê tài sản định nghĩa về thuê tài chính và thuê hoạt động tài sản như sau:

“Thuê tài chính: Là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.
Thuê hoạt động: Là thuê tài sản không phải là thuê tài chính.”

Còn dưới đây là định nghĩa của chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS 16):

“finance lease: A lease that transfers substantially all the risks and rewards incidental to ownership of an underlying asset.
operating lease: A lease that does not transfer substantially all the risks and rewards incidental to ownership of an underlying asset.”

Trước khi đi vào các nội dung chi tiết hơn, tớ lưu ý với mọi người về hai khác biệt chủ yếu liên quan tới định nghĩa này giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế:

  • Đối với chuẩn mực Việt Nam, việc phân biệt giữa thuê hoạt động và thuê tài chính tài sản áp dụng cho cả bên đi thuê và bên cho thuê tài sản. Đối với chuẩn mực quốc tế, việc phân biệt này chỉ áp dụng đối với bên cho thuê.
  • Chuẩn mực Việt Nam yêu cầu hoạt động thuê tài chính phải có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Chuẩn mực quốc tế chỉ yêu cầu hợp đồng thuê tài sản có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản, và sự chuyển giao này có thể là cho một bên thứ ba độc lập bất kỳ, không nhất thiết là bên thuê tài sản. Cái này tớ sẽ nói kỹ hơn ở bên dưới.

Okay, vậy là chúng ta đã cùng nhau xem lại định nghĩa của hai loại hình thuê tài sản này rồi. Vậy thì tiếp theo, hãy cùng xem định nghĩa này được áp dụng vào thực tế kế toán như thế nào nhé.

Tớ chỉ lưu ý với mọi người rằng, tất cả các trường hợp thuê tài sản thỏa mãn định nghĩa thuê tài chính của chuẩn mực đều sẽ được phân loại là tài sản thuê tài chính trên báo cáo tài chính (đối với bên đi thuê) và áp dụng mô hình ghi nhận cho thuê tài chính (đối với bên cho thuê), không có bất kỳ một ngoại lệ nào.

1. Thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản

1.1 Thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản (fixed payments)

Ví dụ 1:

Công ty A cho Công ty B thuê tài sản X với thời hạn 18 năm. Thời gian sử dụng kinh tế ước tính của tài sản X là 20 năm. Chi phí thuê tài sản là 500 triệu đồng/năm và không thay đổi trong suốt thời hạn thuê tài sản.

Đối với trường hợp này, phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản thuê đã được chuyển giao từ bên cho thuê sang bên đi thuê tài sản vì một số lý do sau:

  • Thời gian thuê tài sản chiếm phần lớn vòng đời tài sản
  • Đơn giá cho thuê cố định, vì vậy, các rủi ro và lợi ích liên quan tới việc giá trị tài sản tăng lên, hoặc giảm đi trong suốt thời hạn thuê tài sản được gắn liền với bên đi thuê tài sản.

Như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng đi thuê tài sản được phân loại là hợp đồng thuê tài chính.

1.2 Thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản (variable payments)

Ví dụ 2:

Tương tự như ví dụ 1, tuy nhiên chi phí thuê tài sản trong 3 năm đầu là 500 triệu đồng/năm, sau đó chi phí thuê được điều chỉnh theo giá thuê tài sản trên thị trường mỗi 3 năm/lần.

Trường hợp này, mặc dù thời hạn thuê tài sản chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản, tuy nhiên, chi phí thuê tài sản lại được xác định theo giá trị thị trường. Rủi ro và lợi ích do việc tài sản tăng hay giảm giá trị vẫn thuộc về bên cho thuê tài sản và do vậy, hợp đồng này được phân loại là thuê hoạt động.

2. Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê chiếm phần lớn giá trị hợp lý của tài sản thuê

Ví dụ 3:

Công ty A ký hợp đồng cho Công ty B thuê tài sản X trong 20 năm với đơn giá thuê cố định là 200 triệu đồng/năm, thanh toán tại thời điểm cuối mỗi năm. Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, Công ty A có một số thông tin như sau:

  • Giá trị hợp lý của tài sản X tại ngày này là 2 tỷ đồng;
  • Lãi suất cho vay ước tính nếu Công ty A ký hợp cho Công ty B vay tiền mua tài sản X với thời hạn tương tự (20 năm) là 8%/năm;
  • Tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê, giá trị thanh lý ước tính của tài sản là 175 triệu đồng.

Sử dụng mức lãi suất ước tính 8%/năm, Công ty A ước tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê là 1.963.629.481 đồng, chiếm khoảng 98% giá trị hợp lý của tài sản tại thời điểm khởi đầu thuê. Phần còn lại với giá trị 36.370.519 đồng, chiếm khoảng 2% giá trị hợp lý của tài sản là phần giá trị hiện tại của giá trị còn lại của tài sản thuê không được đảm bảo.

Công ty A mong đợi phần lớn lợi ích của tài sản X được thu hồi thông qua hợp đồng cho thuê tài sản với Công ty B. Phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản X đã được chuyển giao từ Công ty A sang cho Công ty B thông qua hợp đồng cho thuê tài sản. Phần rủi ro hay lợi ích mà Công ty A còn nắm giữ rất nhỏ, chỉ là phần giá trị thanh lý của tài sản X sau khi kết thúc hợp đồng thuê. Hợp đồng này được phân loại là thuê tài chính.

Ghi chú: sau khi xác định hợp đồng cho thuê tài sản là thuê tài chính. Công ty A cần xác định mức lãi suất ngầm định trong hợp đồng bằng cách xác định tỷ lệ lãi suất để chiết khấu giá trị đầu tư gộp về giá trị đầu tư thuần.

Ví dụ 4:

Tương tự như ví dụ 3, tuy nhiên thời gian thuê tài sản lúc này chỉ là 10 năm.

Lúc này, giá trị ước tính của giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê là 1.342.016.280 đồng, chiếm khoảng 67% giá trị hợp lý của tài sản.

Trong trường hợp này, có thể thấy bên cho thuê (Công ty A) đã chuyển giao một phần (nhưng không phải toàn bộ) rủi ro và lợi ích gắn liền với tài sản thuê cho bên đi thuê tài sản (Công ty B). Công ty A vẫn còn nắm giữ một phần tương đối lớn lợi ích và rủi ro liên quan tới quyền sở hữu tài sản vào cuối thời hạn thuê (khoảng 33%) giá trị hợp lý.

Hợp đồng này được phân loại là hợp đồng thuê hoạt động.

3. Quyền mua tài sản (Purchase option)

3.1 Quyền mua tài sản theo mức giá thị trường

Ví dụ 5:

Công ty A ký hợp đồng cho Công ty B thuê tài sản X trong 15 năm. Biết, kết thúc thời hạn thuê, Công ty B có quyền mua lại tài sản X từ Công ty A theo giá trị thị trường của tài sản tương đương tại thời điểm đó.

Trong trường hợp này, do giá mua được xác định theo giá thị trường tại thời điểm Công ty B thực hiện quyền mua lại tài sản, các rủi ro và lợi ích gắn liền với tài sản tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê vẫn thuộc về bên cho thuê (Công ty A).

Việc phân loại hợp đồng thuê tài sản là thuê tài chính hay thuê hoạt động trong trường hợp này phụ thuộc vào việc những lợi ích và rủi ro gắn liền với quyền sở hữu tài sản X tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê có đáng kể hay không. Nếu những rủi ro và lợi ích này là đáng kể thì hợp đồng cho thuê tài sản là thuê hoạt động. Nếu những rủi ro và lợi ích này không đáng kể thì hợp đồng cho thuê tài sản là thuê tài chính.

3.2 Quyền mua tài sản thấp hơn giá thị trường (Bargain purchase option)

Ví dụ 6:

Tương tự ví dụ 5, tuy nhiên giá mua tài sản tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê trong trường hợp này là cố định và được đánh giá là thấp hơn đáng kể so với giá trị thị trường ước tính của tài sản tại thời điểm này dẫn tới tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên đi thuê tài sản (Công ty B) gần như chắc chắn sẽ thực hiện quyền mua tài sản.

Lúc này, toàn bộ rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản đã được chuyển giao sang cho Công ty B. Công ty A đã thu hồi toàn bộ lợi ích của tài sản thông qua tiền thuê tài sản và tiền thu được từ quyền mua tài sản.

Hợp đồng này sẽ được phân loại là hợp đồng thuê tài chính.

Ghi chú 1: Purchase option cũng là một dạng của lease payments.

Ghi chú 2: Việc bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường (Bargain renewal option) cũng được xử lý tương tự với quyền mua tài sản đã đề cập ở trên. Về bản chất là như nhau.

4. Giá trị còn lại của tài sản thuê được bảo đảm (Residual value guarantee)

Ví dụ 7:

Tiếp tục ví dụ 4. Giả sử trong hợp đồng thuê tài sản quy định Công ty B sẽ thanh toán cho Công ty A giá trị chênh lệch nếu tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê, giá trị thanh lý của tài sản thấp hơn 1,5 tỷ đồng.

Mức giá trị tài sản mà Công ty B bảo đảm nằm trong khoảng từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng. Các rủi ro liên quan tới việc giá trị thanh lý của tài sản nhỏ hơn 500 triệu đồng do Công ty A gánh chịu. Tức là giả sử Công ty A thanh lý tài sản thu về được 200 triệu đồng thì Công ty B sẽ thanh toán cho Công ty A phần chênh lệch từ mốc 500 triệu đồng là 1 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ do Công ty A gánh chịu.

Biết tài sản X là một loại tài sản có giá trị ổn định, và giá trị thanh lý ước tính của tài sản này tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê là khoảng 1,4 – 1,8 tỷ đồng. Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, khả năng Công ty A thanh lý tài sản X với giá trị nhỏ hơn 500 triệu đồng là gần như không xảy ra.

Trong trường hợp này, thực tế, phần lớn các rủi ro liên quan tới giá trị thanh lý của tài sản do Công ty B gánh chịu. Phần rủi ro mà Công ty A phải gánh chịu là rất nhỏ, gần như không có. Do vậy, hợp đồng này được phân loại là hợp đồng thuê tài chính.

Ví dụ 8:

Tương tự ví dụ 7, tuy nhiên cam kết này là giữa Công ty A và Công ty C (một bên thứ ba độc lập không liên quan tới Công ty A và Công ty B) và là một hợp đồng độc lập với hợp đồng thuê tài sản giữa A và B. Lúc này:

  • Theo định nghĩa của chuẩn mực kế toán Việt Nam:
    Công ty A (bên cho thuê) chưa chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liên với quyền sở hữu tài sản cho Công ty B (bên đi thuê) và do vậy, hợp đồng thuê tài sản được Công ty B phân loại là thuê hoạt động (Xem lại ví dụ 4);
  • Theo định nghĩa của chuẩn mực quốc tế:
    Công ty A (bên cho thuê) đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản, một phần cho bên đi thuê (Công ty B) và một phần cho bên thứ ba độc lập khác (Công ty C) và do vậy, hợp đồng này thỏa mãn định nghĩa của một hợp đồng thuê tài chính.

Ghi chú: Residual value guarantee cũng là một dạng lease payments.

5. Rent rebates

Ví dụ 9:

Công ty A cho Công ty B thuê tài sản X, thời hạn 20 năm với đơn giá thuê cố định 500 triệu đồng/năm. Điều khoản hợp đồng quy định Công ty A sẽ thanh toán lại một phần tiền thuê cho Công ty B tương ứng với giá trị thanh lý thực tế của tài sản X tại thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Trong trường hợp này, toàn bộ rủi ro và lợi ích liên quan tới giá trị còn lại của tài sản thuê do bên đi thuê (Công ty B) gánh chịu. Hợp đồng được phân loại là thuê tài chính.

6. Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi lớn nào

Ví dụ 10:

Công ty B ký hợp đồng thuê tài sản X từ Công ty A trong 20 năm, đơn giá thuê là 2 tỷ đồng/năm và hợp đồng không hủy ngang. Biết tài sản X là tài sản chuyên dụng và chỉ có Công ty B mới có thể sử dụng tài sản này trong việc tạo ra lợi ích kinh tế. Việc bán thanh lý tài sản này, trong trường hợp không cho Công ty B thuê sẽ khiến Công ty A tốn kém rất nhiều chi phí (trong việc thay đổi, sửa chữa kết cấu tài sản, tìm đối tác mua, …)

Trong trường hợp này, do đặc thù của tài sản mà chắc chắn bên cho thuê sẽ cơ cấu hợp đồng để thu hồi toàn bộ (hoặc gần như toàn bộ) lợi ích kinh tế của tài sản thông qua hợp đồng cho thuê tài sản. Ví dụ như yêu cầu hợp đồng thuê tài sản không được phép hủy ngang và nếu bên thuê huỷ hợp đồng thì tổn thất của bên cho thuê liên quan đến việc huỷ hợp đồng này sẽ do bên đi thuê gánh chịu.

Trong trường hợp này, toàn bộ (hoặc gần như toàn bộ) rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản đã được chuyển giao từ bên cho thuê sang cho bên đi thuê. Hợp đồng thuê tài sản được phân loại là thuê tài chính.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

2 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments