Một số lưu ý trong kế toán giảm giá hàng tồn kho

Chuẩn mực kế toán yêu cầu hàng tồn kho được ghi nhận theo giá trị thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ. Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho được định nghĩa là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.

1. Phân biệt giữa giá trị thuần có thể thực hiện được và giá trị hợp lý

Trong một số trường hợp, giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho có thể tương đương với giá trị hợp lý trừ đi chi phí bán hàng. Tuy nhiên, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt:

“Net realisable value refers to the net amount that an entity expects to realise from the sale of inventory in the ordinary course of business. Fair value reflects the price at which an orderly transaction to sell the same inventory in the principal (or most advantageous) market for that inventory would take place between market participants at the measurement date. The former is an entity‑specific value; the latter is not. Net realisable value for inventories may not equal fair value less costs to sell.”

Ví dụ 1:
Ngày 12/11/20X8, Công ty A ký hợp đồng bán 500 sản phẩm X cho Công ty B với đơn giá 12 CU/sản phẩm, thời điểm giao hàng theo quy định tại hợp đồng là ngày 30/01/20X9.

Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số thông tin sau:
– Số lượng sản phẩm X tồn kho: 200 sản phẩm
– Giá giao dịch của sản phẩm X trên thị trường tại ngày 31/12/20X8: 10 CU/sản phẩm.

Trong trường hợp này, giá trị hợp lý của sản phẩm X tại ngày 31/12/20X8 là 10 CU/sản phẩm. Giá trị thuần có thể thực hiện được của sản phẩm X tại ngày này là 12 CU/sản phẩm.

2. Ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán

Trong một số trường hợp, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán có thể ảnh hưởng tới việc ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho nếu các sự kiện này cung cấp cho doanh nghiệp bằng chứng về tình trạng hàng tồn kho tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

Để hiểu hơn về các ảnh hưởng của các sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán, mọi người có thể tham khảo thêm bài viết dưới đây

Ví dụ 2:
Công ty A là Công ty sản xuất và phân phối sản phẩm X. Giá thành sản xuất của sản phẩm X là 8 CU/sản phẩm. Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số thông tin như sau:
– Số lượng sản phẩm X tồn kho: 7.000 sản phẩm;
– Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A nhận và thực hiện một số đơn mua hàng từ các đối tác với giá bán 10 CU/sản phẩm.

Trong tháng 01/20X9, trước thời điểm Công ty A phát hành báo cáo tài chính, một số đối thủ cạnh tranh của Công ty A đưa ra các mẫu sản phẩm mới tương tự với sản phẩm X nhưng với giá bán thấp hơn nhiều so với giá bán hiện tại của Công ty A. Điều đó dẫn tới việc Công ty A phải điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm X để tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ. Giá bán sản phẩm sau điều chỉnh là 6 CU/sản phẩm, thấp hơn chi phí thực tế để sản xuất sản phẩm.

Để xác định ảnh hưởng của sự kiện này tới việc lập và trình bày báo cáo tài chính của Công ty A trong năm 20X8, Công ty A thực hiện một số đánh giá như sau:

– Sản phẩm X có dấu hiệu chậm tiêu thụ trong năm 20X8, số lượng sản phẩm tồn kho tại thời điểm cuối năm cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy dấu hiệu của thị trường đối với sản phẩm X không được tốt;

– Mặc dù Công ty A thực hiện một số đơn hàng với giá bán 10 CU/sản phẩm tại ngày 31/12/20X8, các đơn hàng này chưa phản ánh hoàn toàn thực trạng của thị trường tại ngày này. Nếu Công ty A quyết định bán toàn bộ giá trị sản phẩm X tồn kho tại thời điểm cuối năm sẽ có sự ảnh hưởng đáng kể tới giá bán của các sản phẩm trên;

– Một trong các lý do chính mà các đối thủ cạnh tranh có thể đưa ra giá bán hàng thấp nằm trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tối ưu hóa quy trình sản xuất, trong khi hệ thống máy móc của Công ty A đã lỗi thời, dẫn tới chi phí sản xuất thực tế cao;

Từ các đánh giá trên, Công ty A kết luận rằng sự kiện Công ty điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm trong năm 20X9 cung cấp thêm cho Công ty bằng chứng về điều kiện thực tế đã tồn tại tại ngày 31/12/20X8 và do vậy, đây là sự kiện điều chỉnh sau ngày kết thúc kỳ kế toán.

Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A ghi nhận giảm giá trị sản phẩm X:
Nợ Giá vốn hàng bán: 14.000 CU
Có Hàng tồn kho (sản phẩm X): 14.000 CU

Giá trị sản phẩm X trình bày trên báo cáo tài chính năm 20X8 là 42.000 CU, tương đương 6 CU/sản phẩm.

3. Việc ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho cần căn cứ vào điều kiện thực tế của hàng tồn kho tại thời điểm lập BCTC

Ví dụ 3:
Công ty A là Công ty chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm X. Sản phẩm X là một dòng sản phẩm mới của Công ty và để khuyến khích khách hàng lựa chọn sản phẩm của mình, Công ty A áp dụng chính sách giá bán “3 không” đối với sản phẩm X: không chi phí khấu hao, không chi phí lãi vay và không bao gồm chi phí bán hàng. Việc áp dụng chính sách này dẫn tới giá bán sản phẩm thấp hơn chi phí thực tế để sản xuất sản phẩm, hay nói một cách khác, Công ty A đang chịu lỗ trên mỗi sản phẩm X được bán ra.

Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số thông tin sau:
– Số lượng sản phẩm X tồn kho: 200 sản phẩm;
– Số lượng nguyên vật liệu B tồn kho: 500 sản phẩm. Nguyên vật liệu B là nguyên vật liệu chính sử dụng trong việc sản xuất sản phẩm X;
– Giá trị ghi sổ của nguyên vật liệu B tồn kho: 10 CU/sản phẩm;
– Giá mua nguyên vật liệu B tại ngày 31/12/20X8: 10,5 CU/sản phẩm;
– Theo kế hoạch kinh doanh của Công ty, toàn bộ số nguyên vật liệu B tồn kho sẽ được sử dụng để sản xuất sản phẩm X, ngoài ra không còn mục đích sử dụng nào khác.

Hỏi kế toán xác định giá trị ghi sổ của sản phẩm X và nguyên vật liệu B như thế nào?

Giá trị giao dịch trên thị trường của nguyên vật liệu B tại ngày 31/12/20X8 là 10,5 CU/sản phẩm, lớn hơn so với giá trị ghi sổ. Do vậy, nguyên vật liệu B không có dấu hiệu tổn thất do suy giảm giá trị. Mặc dù nguyên vật liệu B chỉ có duy nhất mục đích sử dụng trong việc sản xuất sản phẩm X, việc sản xuất này phụ thuộc vào lựa chọn kinh doanh của Công ty A trong tương lai và do vậy, không ảnh hưởng tới tình trạng hiện tại của nguyên vật liệu B. Công ty hoàn toàn có thể lựa chọn bán toàn bộ số nguyên vật liệu trên tại ngày lập báo cáo tài chính và thu hồi toàn bộ giá trị ghi sổ của tài sản.

Như vậy, tại ngày 31/12/20X8, Công ty A ghi nhận nguyên vật liệu B theo giá trị ghi sổ 10 CU/sản phẩm. Công ty chỉ thực hiện ghi giảm giá trị đối với 200 sản phẩm X tồn kho. Việc Công ty tiếp tục sử dụng nguyên vật liệu B để sản xuất sản phẩm X là sự kiện tương lai và không ảnh hưởng tới việc ghi nhận của nguyên vật liệu B tại thời điểm lập báo cáo tài chính.

4. Việc ghi nhận giảm giá hàng tồn kho phụ thuộc vào mục đích nắm giữ hàng tồn kho

Trong trường hợp hàng tồn kho có dấu hiệu tổn thất do suy giảm giá trị, việc ghi nhận kế toán cần xét tới mục đích nắm giữ của hàng tồn kho:

“Estimates of net realisable value also take into consideration the purpose for which the inventory is held. For example, the net realisable value of the quantity of inventory held to satisfy firm sales or service contracts is based on the contract price.

Materials and other supplies held for use in the production of inventories are not written down below cost if the finished products in which they will be incorporated are expected to be sold at or above cost. However, when a decline in the price of materials indicates that the cost of the finished products exceeds net realisable value, the materials are written down to net realisable value. In such circumstances, the replacement cost of the materials may be the best available measure of their net realisable value.”

Ví dụ 4:
Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số thông tin như sau:
– Số lượng nguyên vật liệu X tồn kho: 1.000 sản phẩm, đơn giá 10 CU/sản phẩm;
– Giá mua nguyên vật liệu X tại ngày 31/12/20X8: 8 CU/sản phẩm;
– Theo kế hoạch, số nguyên vật liệu trên được Công ty A sử dụng để sản xuất hai sản phẩm Y và Z, theo tỷ lệ 60% cho sản xuất sản phẩm Y và 40% cho sản xuất sản phẩm Z. Biết:
+ Sản phẩm Y, sau khi trừ hết các chi phí bán hàng, mang lại lợi nhuận cho Công ty A;
+ Sản phẩm Z không phải là sản phẩm thương mại mà chỉ được các bộ phận sử dụng trong nội bộ doanh nghiệp.

Theo quan điểm của người viết, Công ty A chỉ ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho cho 40% nguyên vật liệu X được sử dụng để sản xuất sản phẩm Z. Đối với 60% nguyên vật liệu X sử dụng trong sản xuất sản phẩm Y, do sản phẩm Y bán có lãi, do vậy không xảy ra tổn thất do suy giảm giá trị nguyên vật liệu.

Kết luận trên không thay đổi trong trường hợp sản phẩm Z là sản phẩm thương mại, tuy nhiên giá bán sản phẩm Z thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A ghi nhận giảm giá trị hàng tồn kho đối với 40% nguyên vật liệu X sử dụng trong sản xuất sản phẩm Z. Công ty A sử dụng giá thay thế của nguyên vật liệu X tại ngày 31/12/20X8 (8 CU/sản phẩm) làm cơ sở cho việc xác định giá trị thuần có thể thực hiện được. Bút toán ghi nhận tại ngày 31/12/20X8:

Nợ Giá vốn hàng bán: 800 CU
Có Hàng tồn kho (nguyên vật liệu X): 800 CU

5. Dự phòng cho các hợp đồng có rủi ro lớn

Ví dụ 5:
Ngày 30/09/20X8, Công ty A ký hợp đồng xây dựng tài sản X cho Công ty B. Giá trị hợp đồng là 5.000 CU, chi phí ước tính để xây dựng tài sản X là 4.500 CU. Công ty A xác định Công ty A hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng và thỏa mãn điều kiện ghi nhận doanh thu khi Công ty A bàn giao tài sản X cho Công ty B. Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số thông tin như sau:
– Số lượng nguyên vật liệu Y tồn kho: 500 sản phẩm, đơn giá 2 CU/sản phẩm. Y là nguyên vật liệu chính trong việc sản xuất sản phẩm X, ngoài ra không có mục đích sử dụng nào khác đối với Công ty A;
– Chi phí sản xuất dở dang sản phẩm X tại ngày 31/12/20X8: 300 CU;

Trong tháng 01/20X9, trước thời điểm Công ty A phát hành báo cáo tài chính, giá mua nguyên vật liệu Y có sự biến động lớn dẫn tới tổng chi phí ước tính để hoàn thiện tài sản X là 5.500 CU. Việc thực hiện hợp đồng với Công ty B dẫn tới khoản lỗ dự kiến 500 CU cho Công ty A và Công ty A không có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng. Giả sử Công ty A không có tài sản nào khác chỉ sử dụng cho hợp đồng xây dựng tài sản X.

Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A:

– Ghi nhận giá trị nguyên vật liệu Y theo giá gốc;

– Ghi giảm giá trị chi phí sản xuất dở dang sản phẩm X:
Nợ Giá vốn hàng bán: 300 CU
Có Chi phí sản xuất sản phẩm X: 300 CU

– Trích lập dự phòng cho hợp đồng có rủi ro lớn:
Nợ Giá vốn hàng bán: 200 CU
Có Dự phòng phải trả: 200 CU

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments