Kế toán chiết khấu hàng tồn kho

Tài liệu tham khảo: Grant Thornton IFRS Viewpoints

A. Kế toán chiết khấu thương mại

1. Kế toán Việt Nam

Theo chế độ kế toán Việt Nam, kế toán chiết khấu thương mại được ghi nhận vào thời điểm thực tế nhận được khoản chiết khấu từ nhà cung cấp. Kế toán ghi giảm hàng tồn kho/Giá vốn hàng bán, đồng thời ghi nhận giảm công nợ và thuế GTGT được khấu trừ.

Định khoản:
Nợ TK 331, 112
Có TK 152, 156, 632
Có TK 133

2. Kế toán quốc tế

Theo thông lệ kế toán quốc tế, chiết khấu thương mại hàng tồn kho được ghi nhận tại thời điểm doanh nghiệp tương đối chắc chắn về khả năng sẽ được nhận khoản chiết khấu này. Khả năng tương đối chắc chắn được xác định dựa vào điều khoản hợp đồng, dữ liệu lịch sử mua hàng của doanh nghiệp trong các năm trước, kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm nay, …

Khi doanh nghiệp đánh giá khả năng tương đối chắc chắn sẽ được nhận chiết khấu thương mại từ nhà cung cấp, giá trị hàng tồn kho mua về từ thời điểm đó sẽ được ghi nhận theo giá đã trừ đi chiết khấu thương mại. Phần chênh lệch giữa giá mua hàng tồn kho và giá đã trừ đi chiết khấu thương mại được kế toán như khoản trả trước cho nhà cung cấp. Đối với số hàng tồn kho đã mua trước đó nhưng đã bán ra bên ngoài, doanh nghiệp ghi giảm giá vốn hàng bán thay vì ghi giảm giá trị hàng tồn kho. Nếu sau này, doanh nghiệp đánh giá khả năng nhận được chiết khấu từ nhà cung cấp là thấp, lúc này doanh nghiệp sẽ ghi giảm khoản prepayment, đồng thời điều chỉnh tăng giá trị hàng tồn kho hoặc giá vốn hàng bán trong kỳ.

B. Kế toán chiết khấu thanh toán

1. Kế toán Việt Nam

Theo chế độ kế toán Việt Nam, khi doanh nghiệp được giảm giá trị phải thanh toán do thanh toán trước thời hạn quy định trong hợp đồng, giá trị hàng tồn kho sẽ được ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu. Phần giá trị chiết khấu thanh toán sẽ được ghi nhận như một khoản doanh thu tài chính. Quan điểm của các nhà soạn thảo chế độ kế toán Việt Nam trong trường hợp này coi giao dịch này như giao dịch bên mua tài trợ tài chính cho bên bán, bên mua là bên cho vay còn bên bán là bên đi vay.

2. Kế toán quốc tế

Theo thông lệ kế toán quốc tế, giá trị hàng tồn kho trong trường hợp này sẽ được ghi nhận theo cơ sở giá gốc, tức là giá mua đã trừ đi chiết khấu thanh toán. Doanh nghiệp sẽ không phát sinh doanh thu tài chính trong trường hợp này. Cách ghi nhận này phù hợp với các quy định tại IAS 02 – Inventories.

Một câu hỏi đặt ra là nếu như hợp đồng có điều khoản về chiết khấu thanh toán, tuy nhiên, doanh nghiệp lựa chọn không thực thi điều khoản này mà thanh toán khi đến thời hạn phải trả trong hợp đồng thì việc ghi nhận hàng tồn kho được thực hiện như thế nào? Ghi nhận theo giá đã trừ đi chiết khấu thanh toán hay ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu?

Trong kế toán quốc tế có sử dụng hai thuật ngữ là “normal credit terms” và “deferred payment terms”. Trên quan điểm của Grant Thornton, hợp đồng kinh tế có điều khoản về chiết khấu thanh toán (cash discount/settlement discount) về mặt bản chất thể hiện deferred payment terms. Theo đó, giá thanh toán ngay sẽ thể hiện giá trị mà doanh nghiệp phải thanh toán theo normal credit terms. Việc doanh nghiệp phải trả thêm tiền mua hàng so với trường hợp thanh toán trước thời hạn tương tự như việc doanh nghiệp đi vay tiền của bên bán (thể hiện trong deferred payment terms). Vì vậy, khi hợp đồng có điều khoản về chiết khấu thanh toán nhưng doanh nghiệp không thực hiện thì hàng tồn kho vẫn được ghi nhận theo giá đã trừ đi phần chiết khấu thanh toán. Phần giá trị còn lại được ghi nhận như là một khoản chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, Grant Thornton cũng cho rằng, do chưa có hướng dẫn cụ thể về mặt chuẩn mực kế toán, vì vậy doanh nghiệp vẫn có thể ghi nhận giá trị hàng tồn kho trong trường hợp này là toàn bộ giá trị mà doanh nghiệp phải thanh toán (thay vì ghi nhận một phần vào chi phí lãi vay), với điều kiện thời hạn thanh toán trong hợp đồng phải phù hợp với normal credit terms.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

4 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments