Nguyên giá TSCĐ cuối năm đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng là một thông tin thuyết minh bắt buộc trong mẫu báo cáo tại phụ lục 2 – biểu mẫu báo cáo tài chính ban hành kèm theo thông tư 200/2014/TT-BTC. Chuẩn mực kế toán quốc tế không yêu cầu bắt buộc, nhưng khuyến khích các doanh nghiệp thuyết minh thông tin này. Vậy thông tin này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác của người làm kế toán cũng như các đối tượng sử dụng thông tin BCTC của doanh nghiệp?
1. Quy định của chuẩn mực kế toán
Chuẩn mực kế toán yêu cầu doanh nghiệp phân bổ một cách có hệ thống giá trị phải khấu hao của TSCĐ cho thời gian sử dụng hữu ích của chúng.
Chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn về sự khác biệt giữa giá trị phải khấu hao và nguyên giá của TSCĐ cũng như giữa thời gian sử dụng hữu ích và thời gian sử dụng kinh tế của tài sản trong một bài viết khác. Vấn đề mà tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này đó là thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ cần được đánh giá lại một cách định kỳ. Quy định sau được trích dẫn từ chuẩn mực kế toán số 03:
“33. Thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ hữu hình phải được xem xét lại theo định kỳ, thường là cuối năm tài chính. Nếu có sự thay đổi đáng kể trong việc đánh giá thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thì phải điều chỉnh mức khấu hao.”
Thời gian sử dụng hữu ích của tài sản là một ước tính kế toán và do vậy, các thay đổi trong ước tính về thời gian sử dụng hữu ích của chúng là các thay đổi trong ước tính kế toán và được điều chỉnh phi hồi tố trên BCTC. Đoạn 34 chuẩn mực kế toán số 03 quy định:
“Trong quá trình sử dụng TSCĐ, khi đã xác định chắc chắn là thời gian sử dụng hữu ích không còn phù hợp thì phải điều chỉnh thời gian sử dụng hữu ích và tỷ lệ khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo và được thuyết minh trong báo cáo tài chính. Ví dụ: Thời gian sử dụng hữu ích có thể được kéo dài thêm do việc cải thiện trạng thái của tài sản vượt trên trạng thái tiêu chuẩn ban đầu của nó, hoặc các thay đổi về kỹ thuật hay thay đổi nhu cầu về sản phẩm do một máy móc sản xuất ra có thể làm giảm thời gian sử dụng hữu ích của nó.”
2. Sai sót kế toán thường gặp liên quan tới thời gian sử dụng hữu ích của TSCĐ
– Không ước tính lại thời gian sử dụng hữu ích của tài sản:
Nhiều kế toán hoàn toàn không hề ước tính lại thời gian sử dụng hữu ích của tài sản. Họ thường chỉ ước tính thời gian sử dụng hữu ích của tài sản tại thời điểm ghi nhận ban đầu, và giữ nguyên mức khấu hao đó cho tới khi tài sản được khấu hao hết, hoặc thanh lý, nhượng bán. Vậy nên, khi thời gian sử dụng hữu ích thực tế của tài sản có sự khác biệt so với ước tính ban đầu của kế toán, việc trích khấu hao TSCĐ không còn phản ánh đúng được lợi ích kinh tế thu được từ tài sản. Ví dụ, một số tài sản thực tế đã hết giá trị sử dụng nhưng trên sổ doanh nghiệp vẫn theo dõi và trích khấu hao, hay một số tài sản vẫn còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp nhưng lại không còn giá trị trên sổ sách. Đó là sai sót kế toán.
– Nhưng tài sản chỉ được phép thay đổi thời gian trích khấu hao một lần trong suốt vòng đời của tài sản?
Điều 10, thông tư 45/2013/TT-BTC quy định: “Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản.” Do vậy, nhiều kế toán rất ngại việc thay đổi lại thời gian trích khấu hao TSCĐ vì cho rằng pháp luật không cho phép việc này. Tuy nhiên đây cũng lại là một quan điểm chưa đúng của người làm kế toán. Thông tư 45/2013/TT-BTC chỉ có ý nghĩa trong công tác xác định chi phí thuế được trừ của doanh nghiệp. Công tác kế toán tuân thủ theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp. Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán Việt Nam hoàn toàn cho phép việc điều chỉnh lại thời gian trích khấu hao nhiều lần trong suốt vòng đời của tài sản, miễn là việc điều chỉnh này là phù hợp với tình trạng thực tế của tài sản cũng như doanh nghiệp có lý do hợp lý cho việc điều chỉnh này. Việc xác định số năm trích khấu hao của TSCĐ cũng hoàn toàn không phụ thuộc vào khung trích khấu hao quy định tại thông tư 45, như đã đề cập ở trên. Chúng ta có thể sử dụng công cụ thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại để điều chỉnh cho các khác biệt giữa các quy định kế toán và quy định của luật thuế.
– Các tài sản tương tự được sử dụng trong các điều kiện giống nhau nhưng lại có thời gian trích khấu hao khác nhau
Về mặt nguyên tắc, các tài sản tương tự có điều kiện sử dụng, tình trạng bảo trì, bão dưỡng giống nhau thì thời gian trích khấu hao cũng giống nhau. Đây là một vấn đề mà có lẽ chưa được nhiều kế toán quan tâm đúng mức, dẫn tới việc các tài sản này có các mức trích khấu hao khác biệt nhau, mặc dù điều kiện sử dụng và bảo dưỡng là tương tự.
– Tài sản đã không còn giá trị sử dụng, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn còn theo dõi trên sổ sách
Trong trường hợp này thì việc ghi nhận khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp là phù hợp. Tuy nhiên, kế toán cần lưu ý xóa xổ các tài sản không còn giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp, tránh việc trình bày một giá trị lớn nguyên giá các tài sản đã hết giá trị sử dụng đối với doanh nghiệp.
3. Ảnh hưởng tới thông tin báo cáo tài chính
– TSCĐ đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng cho thấy mức trích khấu hao trên sổ sách nhiều hơn so với mức sử dụng thực tế của tài sản. Điều này dẫn tới việc doanh nghiệp ghi nhận chi phí kinh doanh nhiều hơn, giá trị tài sản thuần phản ánh thấp hơn so với thực tế. Tình hình tài chính của doanh nghiệp chưa được phản ánh đúng với thực tế;
– Khi giá trị nguyên giá TSCĐ đã khấu hao hết nhưng vẫn còn sử dụng chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng giá trị TSCĐ của doanh nghiệp, người sử dụng báo cáo tài chính cần thận trọng trong việc sử dụng các thông tin tài chính do doanh nghiệp cung cấp:
+ Liệu các thông tin này có ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng báo cáo hay không?
+ Liệu doanh nghiệp có một hệ thống kế toán đủ mạnh để có thể cung cấp được các số liệu tài chính phản ánh một cách trung thực nhất thực trạng tài chính của doanh nghiệp?
4. Xử lý kế toán
Như đã nói tại mục 1, thời gian sử dụng hữu ích của tài sản là một ước tính kế toán, và như chúng ta đều biết, ước tính thì luôn luôn có những khác biệt so với thực tế. Đó là lý do chuẩn mực yêu cầu kế toán phải xem xét và điều chỉnh lại thời gian trích khấu hao của tài sản để sát với thực tế nhất có thể.
Khi doanh nghiệp tồn tại các tài sản vẫn đang được sử dụng, nhưng lại không còn giá trị sổ sách, kế toán cần xem xét các yếu tố sau:
– Khác biệt giữa sổ sách và thực tế là nhiều hay ít?
Trường hợp doanh nghiệp ước tính tài sản có thể sử dụng trong 10 năm. Tại thời điểm lập BCTC, tài sản đã khấu hao hết, tuy nhiên doanh nghiệp dự tính tài sản vẫn có thể tiếp tục sử dụng trong vòng 1 năm tới (tổng cộng 11 năm) thì rõ ràng là sự khác biệt giữa sổ sách và thực tế là không đáng kể. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp trích khấu hao tài sản trong 5 năm, tuy nhiên thực tế tài sản có thể sử dụng được trong 10 năm thì chênh lệch giữa sổ sách và thực tế là đáng kể và đây là sai sót kế toán cần phải điều chỉnh.
– Tổng nguyên giá của các tài sản này có chiểm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản?
Việc tổng nguyên giá của các tài sản này chiếm tỉ trọng lớn trong tổng giá trị tài sản cho thấy khả năng xảy ra các sai lệch trọng yếu trong số liệu báo cáo tài chính của đơn vị.
– Các khác biệt này có dẫn tới các ảnh hưởng trọng yếu tới các thông tin trên BCTC hay không?
Thông tư 200/2014/TT-BTC định nghĩa về thông tin trọng yếu như sau:
“Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.”
Như vậy, kế toán doanh nghiệp cần xem xét tất cả các khía cạnh khác nhau để xác định xem liệu số liệu báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực tình trạng tài chính, tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay chưa, cũng như các thông tin này ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính như thế nào.
Trong trường hợp kế toán xác định sự khác biệt giữa sổ sách và thực tế là không trọng yếu, kế toán không cần thiết phải điều chỉnh lại số liệu sổ sách hiện tại. Việc điều chỉnh ước tính kế toán được thực hiện phi hồi tố. Các tài sản tương tự đang được trích khấu hao sẽ được điều chỉnh lại mức trích khấu hao một cách phù hợp.
Trong trường hợp kế toán xác định tồn tại các chênh lệch trọng yếu, kế toán cần xem đây là sai sót kế toán và thực hiện điều chỉnh hồi tố cho số liệu báo cáo tài chính của kỳ hiện tại và số liệu so sánh của các kỳ trước.
Một số khóa học nổi bật