Kế toán vàng tiền tệ theo IFRS

Nhân bài viết trên Webketoan về việc hạch toán coi trọng bản chất hơn hình thức, tôi muốn trao đổi một chút về việc ghi nhận vàng tiền tệ theo chuẩn mực kế toán hiện hành.

Theo như bài viết trên webketoan thì vàng sử dụng với mục đích cất giữ giá trị có bản chất là tiền, vì vậy cần được ghi nhận trên báo cáo tài chính như là một khoản tiền của đơn vị. Bài viết này dựa trên các quy định của thông tư 200/2014/TT-BTC.

Điều 12, thông tư 200/2014/TT-BTC quy định nguyên tắc kế toán tài khoản tiền mặt như sau:

“g) Vàng tiền tệ được phản ánh trong tài khoản này là vàng được sử dụng với các chức năng cất trữ giá trị, không bao gồm các loại vàng được phân loại là hàng tồn kho sử dụng với mục đích là nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hoặc hàng hoá để bán.

h) Tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư vàng tiền tệ theo nguyên tắc:

Vàng tiền tệ được đánh giá lại theo giá mua trên thị trường trong nước tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Giá mua trên thị trường trong nước là giá mua được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không công bố giá mua vàng thì tính theo giá mua công bố bởi các đơn vị được phép kinh doanh vàng theo luật định.”

Như vậy, theo quy định của thông tư, vàng được sử dụng với chức năng cất trữ giá trị được coi là tiền.

Vậy theo quy định của chuẩn mực kế toán hiện hành thì sao?

Định nghĩa về tiền và tương đương tiền được quy định tại chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Theo đó, tiền được định nghĩa như sau:

“Tiền bao gồm tiền tại quỹ, tiền đang chuyển và các khoản tiền gửi không kỳ hạn.”

Như vậy, theo quy định của chuẩn mực, tiền chỉ bao gồm: tiền mặt tại quỹ, tiền đang chuyển và tiền gửi không kỳ hạn. Trong định nghĩa về tiền trong chuẩn mực hoàn toàn không đề cập tới “vàng tiền tệ”.

Khoản 1.4, điều 112 thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn về việc lập và trình bày bảng cân đối kế toán cũng có hướng dẫn tương tự với định nghĩa của chuẩn mực VAS 24:

+ Tiền (Mã số 111)

Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền đang chuyển.”

Kết luận:

Theo quy định của chuẩn mực kế toán hiện hành, “vàng tiền tệ” không thỏa mãn định nghĩa của khoản mục tiền.

Vậy liệu “vàng tiền tệ” có thỏa mãn định nghĩa là một khoản tương đương tiền?

Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 24 định nghĩa về tương đương tiền như sau:

“Tương đương tiền: Là các khoản đầu tư ngắn hạn (không quá 3 tháng), có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có nhiều rủi ro trong chuyển đổi thành tiền.”

Thông tư 200 cũng có hướng dẫn tương tự với định nghĩa của chuẩn mực:

“+ Các khoản tương đương tiền (Mã số 112)

Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.”

Ở đây, chúng ta cần chú ý tới từ khóa “một lượng tiền xác định”.

VAS 24 được dịch từ chuẩn mực kế toán quốc tế số 7 – Statement of Cash flows, vì vậy, chúng ta có thể tham chiếu tới quy định tương đương của chuẩn mực kê toán quốc tế.

IAS 7 định nghĩa về tương đương tiền như sau:

“Cash equivalents are short‑term, highly liquid investments that are readily convertible to known amounts of cash and which are subject to an insignificant risk of changes in value.”

Một trong những điểm quan trọng để một tài sản thỏa mãn điều kiện là một khoản tương đương tiền, đó là nó là một khoản đầu tư ngắn hạn có tính thanh khoản cao (short‑term, highly liquid investments) và doanh nghiệp có thể xác định được số tiền mà mình sẽ nhận được tại thời điểm đầu tư ban đầu mà không có rủi ro lớn về việc giá trị của khoản đầu tư sẽ thay đổi so với ước tính ban đầu của doanh nghiệp.

Một trong những ví dụ của tương đương tiền đó là khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng. Tại thời điểm đầu tư ban đầu, doanh nghiệp có thể biết được giá trị của khoản tiền nhận về từ khoản đầu tư này, cũng như khoản đầu tư có rất ít rủi ro trong việc thay đổi giá trị so với ước tính của doanh nghiệp và do vậy, khoản tiền gửi có kỳ hạn này thỏa mãn định nghĩa là một khoản tương đương tiền.

Vậy đối với “vàng tiền tệ” thì sao? Mặc dù đây là một tài sản có tính thanh khoản cao, tuy nhiên, giá trị của tài sản thay đổi theo giá trị thị trường. Tại thời điểm đầu tư, doanh nghiệp chưa thể ước tính được giá trị tiền mà doanh nghiệp thực tế nhận được từ khoản đầu tư này, cũng như khoản đầu tư có những rủi ro lớn về việc thay đổi giá trị. Do vậy, “vàng tiền tệ” không thỏa mãn định nghĩa của khoản mục tương đương tiền theo quy định của chuẩn mực.

Mọi người có thể tham khảo thêm nội dung sau được trích dẫn trong IFRIC Agenda Decision thảo luận về định nghĩa của khoản mục tương đương tiền trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

[IFRIC® Update, July 2009, Agenda Decision, ‘IAS 7 Statement of Cash Flows-Determination of cash equivalents’

The IFRIC received a request for guidance on whether investments in shares or units of money market funds that are redeemable at any time can be classified as cash equivalents.

The IFRIC noted that paragraph 7 of IAS 7 states that the purpose of holding cash equivalents is to meet short-term cash commitments. In this context, the critical criteria in the definition of cash equivalents set out in paragraph 6 of IAS 7 are the requirements that cash equivalents be ‘convertible to known amounts of cash’ and ‘subject to insignificant risk of changes in value’. The IFRIC noted that the first criterion means that the amount of cash that will be received must be known at the time of the initial investment, ie the units cannot be considered cash equivalents simply because they can be converted to cash at any time at the then market price in an active market. The IFRIC also noted that an entity would have to satisfy itself that any investment was subject to an insignificant risk of changes in value for it to be classified as a cash equivalent.

Given the guidance in IAS 7, the IFRIC did not expect significant diversity in practice because the purpose of holding the instrument and the satisfaction of the criteria should both be clear from its terms and conditions. Accordingly, the IFRIC decided not to add this issue to its agenda.]

Kết luận:

Theo quy định của chuẩn mực kế toán hiện hành, “vàng tiền tệ” không thỏa mãn định nghĩa của khoản mục tiền và tương đương tiền.

Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ dẫn tới một số khác biệt sau so với hướng dẫn của chế độ kế toán Việt Nam:

  • Vàng tiền tệ sẽ không được trình bày vào chỉ tiêu tiền và tương đương tiền trên báo cáo tài chính;
  • Doanh nghiệp cần xem xét mục tiêu nắm giữ “vàng tiền tệ” để phân loại ngắn hạn và dài hạn phù hợp trên báo cáo tài chính. “Vàng tiền tệ” được nắm giữ trong thời gian dài, trên một chu kỳ sản xuất kinh doanh không được trình bày là tài sản ngắn hạn trên báo cáo tài chính.

Một số vấn đề khác:

1. Vẫn trong bài viết “Hạch toán coi trọng bản chất hơn hình thức” trên webketoan có hướng dẫn rằng bất động sản đầu tư mục đích để bán trong kỳ có bản chất là tài sản ngắn hạn – một loại hàng tồn kho và do vậy, cần phải ghi nhận trên tài khoản hàng hóa.

Trước hết thì, thật khó để hình dung cái gọi là “Bất động sản đầu tư để bán trong kỳ”. Có lẽ là bài viết đang muốn nói về việc chuyển đổi mục đích sử dụng tài sản.

Theo quy định của thông tư 200, nếu bất động sản không thông qua quá trình nâng cấp cải tạo nhằm mục đích bán ngay trong kỳ thì không có sự tái phân loại tài sản từ bất động sản đầu tư sang hàng tồn kho, và do vậy, tài sản vẫn được trình bày trên báo cáo tài chính là một tài sản dài hạn cho tới khi bán.

2. Cũng trong bài viết trên, phần chi phí vận chuyển hàng hóa được hướng dẫn như sau:

“DN chịu Chi phí vận chuyển, hàng hóa được giao thẳng cho khách hàng (không qua kho) thì bản chất là chi phí bán hàng”

Lại một lần nữa, kết luận này không hoàn toàn đúng trong tất cả mọi trường hợp. Để đi tới kết luận, cần xem xét vai trò của bên bán trong giao dịch này, cũng như giao kết về thời điểm mà quyền kiểm soát hàng hóa được chuyển giao sang cho khách hàng (có thể trước thời điểm mà khách hàng thực tế nhận được hàng).

Nói đến bản chất kế toán thì phải nói tới từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể (facts and circumstances), chứ không thể đưa ra kết luận với một vài thông tin chung chung được.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments