Một trong những vấn đề của kế toán thiết bị dự phòng, vật tư, phụ tùng thay thế là về thời điểm trích khấu hao. Các tài sản này được trích khấu hao khi nào? Khi tài sản mua về và đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng, hay khi các tài sản này được lắp đặt, thay thế cho các bộ phận của tài sản cố định chính? Bài viết này sẽ thảo luận việc xử lý kế toán trong trường hợp này và sự khác nhau trong cách xử lý vấn đề của kế toán Việt Nam và kế toán quốc tế.
A. Kế toán Việt Nam
Theo chế độ kế toán Việt Nam, có sự khác biệt giữa kế toán thiết bị dự phòng và kế toán vật tư, phụ tùng thay thế.
- Đối với thiết bị dự phòng, chế độ kế toán yêu cầu ghi nhận tăng giá trị tài sản cố định và trích khấu hao kể từ thời điểm tài sản đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng.
- Đối với vật tư, phụ tùng thay thế, chế độ kế toán dựa vào tiêu thức giá trị để quyết định việc ghi nhận và trình bày báo cáo. Đối với các tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên, chế độ yêu cầu hạch toán ghi tăng tài sản cố định, và trích khấu hao từ thời điểm tài sản đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng. Đối với các vật tư, phụ tùng thay thế có giá trị nhỏ hơn 30 triệu đồng, chế độ yêu cầu ghi nhận các tài sản này sử dụng tài khoản hàng tồn kho, tuy nhiên, trên báo cáo tài chính, nếu các tài sản này có thời gian sử dụng hữu ích trên một năm sẽ được trình bày là tài sản dài hạn (Chi tiết: Vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế dài hạn). Khi xuất các vật tư, phụ tùng này vào lắp đặt sẽ ghi nhận chi phí hoặc chi phí trả trước tùy thuộc vào mức độ trọng yếu của khoản mục tới kết quả kinh doanh trong kỳ.
B. Chuẩn mực kế toán quốc tế
Việc ghi nhận và trình bày trên báo cáo tài chính đối với các tài sản này phụ thuộc vào bản chất của tài sản:
- Nếu tài sản có thời gian sử dụng hữu ích trên một năm, chúng sẽ được ghi nhận là tài sản cố định.
- Nếu tài sản có thời gian sử dụng hữu ích nhỏ hơn một năm, chúng sẽ được ghi nhận là hàng tồn kho. Nếu các tài sản được ghi nhận là hàng tồn kho, khi xuất lắp đặt, giá trị của các tài sản này sẽ được ghi nhận toàn bộ vào chi phí trong kỳ.
Trong trường hợp tài sản đủ điều kiện ghi nhận là tài sản cố định, một vấn đề được đặt ra là đâu là thời điểm bắt đầu trích khấu hao tài sản cố định?
Theo chuẩn mực kế toán quốc tế, thời điểm trích khấu hao của các tài sản này phụ thuộc vào bản chất của các tài sản:
- Đối với thiết bị dự phòng (Stand-by equipment hay critical spare parts): mục đích của các tài sản này là dự phòng cho trường hợp các bộ phận chính bị hỏng hóc sẽ ngay lập tức có các bộ phận khác để thay thế, không để ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trên quan điểm của chuẩn mực quốc tế, tài sản này đã đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng, vì vậy yêu cầu cần phải trích khấu hao ngay tại thời điểm ban đầu.
- Đối với vật tư, phụ tùng thay thế (Capital spare parts): đây là các tài sản doanh nghiệp mua về dự trữ cho việc thay thế trong tương lai, ví dụ một số tài sản yêu cầu cần phải thay thế các bộ phận định kỳ, như mỗi 10.000 giờ máy hoặc mỗi hai năm. Theo quan điểm của chuẩn mực kế toán quốc tế, các tài sản này đạt trạng thái sẵn sàng sử dụng khi chúng được lắp đặt, thay thế cho các bộ phận khác theo yêu cầu thay thế/sửa chữa định kỳ. Vì vậy, các tài sản này mặc dù được ghi nhận là tài sản cố định, nhưng chỉ thực hiện khấu hao khi chúng được đem đi lắp đặt, thay thế.
C. Quan điểm cá nhân
Cách ghi nhận của kế toán Việt Nam tập trung nhiều hơn về mặt hình thức, phân biệt cách ghi nhận dựa theo tiêu thức giá trị. Chuẩn mực kế toán quốc tế quy định về cách hạch toán và khấu hao dựa vào bản chất của tài sản (thời gian sử dụng hữu ích và cách tài sản được sử dụng).
Theo cách ghi nhận của Việt Nam, trong một số trường hợp, một số tài sản có thể được trình bày là hàng tồn kho (tài sản ngắn hạn), tuy nhiên khi xuất ra sử dụng lại được ghi nhận và trình bày là chi phí trả trước (tài sản dài hạn). Thông tin trình bày trên báo cáo tài chính chưa đảm bảo tính đồng nhất cũng như phản ánh đúng thông tin tài chính của doanh nghiệp.
Một số khóa học nổi bật