Chúng tôi nhận được hai câu hỏi của anh Ngô Việt Thái như sau:
“Em gửi anh.
Em có 2 câu hỏi liên quan đến việc lập báo cáo lưu chuyển tiền tệ gửi đến anh, rất mong nhận được chia sẻ kiến thức từ kinh nghiệm của anh ah.
- Vì sao khoản trích trước chi phí lãi vay phải loại trừ ra khỏi khoản TĂNG/GIẢM các khoản phải trả ah.
- Đối với khoản khấu hao tài sản cố định thì sẽ bao gồm khấu hao cho những tài sản phục vụ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động khác, cũng như trong kỳ có tăng/giảm TSCĐ liên quan đến các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động khác…thì việc tính chỉ tiêu khấu hao TSCĐ như thế nào để đảm bảo tính chính xác khi loại trừ khấu hao TSCĐ ra khỏi lợi nhuận kế toán trước thuế.”
Về nội dung này, chúng tôi xin phép trả lời như sau:
1. Về chi phí lãi vay
Như chúng ta đã biết, chỉ tiêu mã số 11 trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ gián tiếp là chỉ tiêu tăng giảm các khoản phải trả, nhưng không bao gồm lãi vay phải trả và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Đầu tiên, việc chỉ tiêu này không bao gồm lãi vay phải trả tức là nó bao gồm tất cả các khoản lãi vay phải trả, không phân biệt khoản lãi vay phải trả đấy là đã có hóa đơn (ghi nhận phải trả khác – 338) hoặc chưa có hóa đơn (ghi nhận chi phí phải trả – 335).
Vậy nên, cần phải nhấn mạnh ở đây là tất cả các khoản lãi vay phải trả đều không được tính vào chỉ tiêu 11, chứ không chỉ riêng phần lãi vay trích trước như trong câu hỏi của bạn Thái.
Vậy tại sao chỉ tiêu 11 lại không bao gồm các khoản lãi vay phải trả?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về quy định tại đoạn 24 của VAS 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
“24. Tổng số tiền lãi vay đã trả trong kỳ phải được trình bày trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho dù nó đã được ghi nhận là chi phí trong kỳ hay đã được vốn hóa theo quy định của Chuẩn mực kế toán số 16 “Chi phí đi vay”.”
Bởi vì trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chi phí lãi vay (chỉ tiêu 06) và tiền lãi vay đã trả (chỉ tiêu 14) đã được trình bày thành các chỉ tiêu riêng biệt. Do vậy, các chỉ tiêu còn lại trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ (bao gồm cả chỉ tiêu 11) sẽ phải loại trừ đi các ảnh hưởng này.
2. Về chi phí khấu hao
Thông tư 200 cũng đã hướng dẫn rất kỹ về chỉ tiêu 02 – Khấu hao TSCĐ và BĐSĐT. Về cơ bản thì chỉ tiêu này chỉ bao gồm số khấu hao đã được tính vào kết quả kinh doanh trong kỳ.
Đối với tài sản cố định được sử dụng cho mục đích đầu tư, chi phí khấu hao sẽ được vốn hóa vào giá trị tài sản xây dựng, do vậy không ảnh hưởng tới chỉ tiêu 02.
Đối với tài sản cố định sử dụng cho mục đích sản xuất, chi phí khấu hao được vốn hóa vào giá trị hàng tồn kho thì chỉ tiêu 02 được xác định như sau:
- Xác định tổng chi phí khấu hao trong kỳ;
- Xác định giá trị chi phí khấu hao đang nằm trong giá trị hàng tồn kho;
- Chỉ tiêu 02 được xác định bằng tổng chi phí khấu hao trong kỳ – giá trị khấu hao nằm trong hàng tồn kho kỳ này + giá trị khấu hao nằm trong hàng tồn kho kỳ trước nhưng được bán trong kỳ này.
Phức tạp đúng không?
Trong thực tế, rất khó để có thể theo dõi được số chi phí khấu hao nằm trong giá trị hàng tồn kho, nên chỉ tiêu 02 đa phần được tính bằng cách lấy tổng chi phí khấu hao trong kỳ – giá trị khấu hao được vốn hóa vào giá trị tài sản xây dựng. Tức là lúc này, chúng ta chỉ cần tách riêng giá trị chi phí khấu hao sử dụng cho mục đích đầu tư ra, thì phần còn lại sẽ được đưa vào chỉ tiêu 02.
Thông tư cũng lưu ý về ảnh hưởng của việc này tới chỉ tiêu 10 – Tăng giảm hàng tồn kho như sau:
“Trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách riêng được số khấu hao còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ thì thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ và BĐSĐT” bao gồm số khấu hao đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng với số khấu hao liên quan đến hàng tồn kho chưa tiêu thụ; Chỉ tiêu “Tăng, giảm hàng tồn kho” bao gồm cả số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ).”
Một số khóa học nổi bật