Going concern và break-up basis

1. Going concern là gì?

Đoạn 25, IAS 1 định nghĩa về giả định hoạt động liên tục như sau:

“An entity shall prepare financial statements on a going concern basis unless management either intends to liquidate the entity or to cease trading, or has no realistic alternative but to do so.”

Giải thể doanh nghiệp (Liquidation) chỉ là một trong số các trường hợp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Một trường hợp khác, đó là khi doanh nghiệp quyết định ngừng (hoặc tạm ngừng) các hoạt động kinh doanh (cease trading) nhưng không thực hiện các thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trường hợp này, thuật ngữ tiếng Anh gọi là dormant company.

2. Kế toán khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục

Một báo cáo tài chính không được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục có được coi là trung thực và hợp lý hay không phụ thuộc vào hệ thống chuẩn mực, chế độ kế toán mà báo cáo tài chính đó tuân thủ. Trong phạm vi bài viết này sẽ chỉ thảo luận về các quy định của hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Vẫn là đoạn 25, IAS 1 quy định:

“When an entity does not prepare financial statements on a going concern basis, it shall disclose that fact, together with the basis on which it prepared the financial statements and the reason why the entity is not regarded as a going concern.”

Như vậy, chuẩn mực kế toán quốc tế không có quy định cụ thể về việc báo cáo tài chính không đáp ứng giả định hoạt động liên tục được lập như thế nào. Doanh nghiệp được quyền lựa chọn cơ sở lập báo cáo một cách phù hợp, và thuyết minh về cơ sở lập báo cáo này, tuy nhiên không được vi phạm vào các quy định hiện hành của IFRS:

“16 An entity whose financial statements comply with IFRSs shall make an explicit and unreserved statement of such compliance in the notes. An entity shall not describe financial statements as complying with IFRSs unless they comply with all the requirements of IFRSs.”

3. Break-up basis là gì?

Một số quốc gia có hướng dẫn riêng về việc lập báo cáo tài chính trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục. Các hướng dẫn này thường được biết đến với tên gọi là “break-up basis”. Chuẩn mực kế toán của Mỹ (US GAAP) và chế độ kế toán Việt Nam (Thông tư 200/2014/TT-BTC) là một trong số các trường hợp yêu cầu áp dụng “break-up basis” này trong việc lập báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục.

Các nội dung sau được trích dẫn từ thông tư 200/2014/TT-BTC để người đọc có hình dung hơn về cơ sở lập báo cáo này:

“4. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải tái phân loại tài sản dài hạn và nợ phải trả dài hạn thành tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn.

5. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả trừ trường hợp có một bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả theo giá trị sổ sách. Doanh nghiệp phải ghi nhận vào sổ kế toán theo giá đánh giá lại trước khi lập Bảng Cân đối kế toán.

7. Khi giả định hoạt động liên tục không còn phù hợp, doanh nghiệp phải xử lý một số vấn đề tài chính sau:

Thực hiện trích trước vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh đối với các khoản lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai nếu khả năng phát sinh khoản lỗ là tương đối chắc chắn và giá trị khoản lỗ được ước tính một cách đáng tin cậy; Ghi nhận nghĩa vụ hiện tại đối với các khoản phải trả kể cả trong trường hợp chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu (như biên bản nghiệm thu khối lượng của nhà thầu..) nhưng chắc chắn phải thanh toán;”

4. Tại sao lại áp dụng break-up basis?

Break-up basis có thể cung cấp được các thông tin hữu ích cho chủ nợ và chủ sở hữu về khả năng thanh toán của doanh nghiệp cho từng đối tượng khi phải thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản:

8. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết về khả năng tạo tiền và thanh toán nợ phải trả, vốn chủ sở hữu cho các cổ đông, cụ thể:

  • Số tiền có khả năng thu hồi từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi nợ phải thu;
  • Khả năng thanh toán nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên, như khả năng trả nợ ngân sách Nhà nước, trả nợ người lao động, trả nợ vay, nợ nhà cung cấp;
  • Khả năng thanh toán cho chủ sở hữu, đối với công ty cổ phần cần công bố rõ khả năng mỗi cổ phiếu sẽ nhận được bao nhiều tiền;
  • Thời gian tiến hành thanh toán các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.”

Tuy nhiên, như đã trình bày tại mục 1, việc một doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể/phá sản chỉ là một trong các trường hợp của việc doanh nghiệp không đáp ứng được giả định hoạt động liên tục.

Trong các trường hợp khác (ví dụ: dormant company), break-up basis chưa chắc đã là cơ sở lập báo cáo tài chính phù hợp nhất.

5. Break-up basis và IFRS

Một doanh nghiệp áp dụng và tuân thủ theo các quy định của chuẩn mực kế toán quốc tế, trong một số trường hợp, có thể áp dụng break-up basis như là một cơ sở trong việc lập báo cáo tài chính đối với các doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục khi và chỉ khi cơ sở lập báo cáo tài chính này không vi phạm các quy định của hệ thống chuẩn mực.

Một số những xung đột giữa break-up basis và hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế có thể chỉ ra như:

  • Việc tái phân loại tài sản và nợ phải trả:

    – Tài sản dài hạn chỉ được tái phân loại là tài sản ngắn hạn nếu như nó thỏa mãn định nghĩa là tài sản nắm giữ để bán theo các quy định của chuẩn mực IFRS 5 – Non-current Assets Held for Sale and Discontinued Operations;

    – Đối với trường hợp dormant company, nếu như một khoản nợ phải trả dài hạn mà doanh nghiệp chỉ có nghĩa vụ phải thanh toán trong một tương lai xa, mà không có bất kỳ một sự thay đổi nào về nghĩa vụ của doanh nghiệp dẫn tới doanh nghiệp phải thanh toán khoản nợ này trong vòng 12 tháng thì khoản nợ phải trả này vẫn cần được phân loại trên báo cáo tài chính là một khoản nợ dài hạn. Việc tái phân loại khoản nợ phải trả này thành nợ phải trả ngắn hạn trên báo cáo tài chính là không phù hợp với các quy định của IFRS.

  • Ghi nhận cho các khoản lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai

    Chuẩn mực kế toán quốc tế không cho phép doanh nghiệp ghi nhận một khoản nợ phải trả trên báo cáo tài chính khi thực tế doanh nghiệp chưa phát sinh nghĩa vụ liên quan tới khoản nợ phải trả này.

    Chuẩn mực kế toán quốc tế cũng không cho phép doanh nghiệp ghi nhận những khoản lỗ phát sinh trong tương lai, ngoại trừ các khoản lỗ từ việc trích lập dự phòng phải trả cho các hợp đồng có rủi ro lớn (onerous contracts).

    Báo cáo tài chính được lập theo IFRS cần phản ánh được tình hình tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại thời điểm lập báo cáo.

    Việc ghi nhận các khoản phải trả không đủ điều kiện, hoặc trích trước chi phí cho các khoản lỗ trong tương lai vi phạm trực tiếp tới nguyên tắc kế toán dồn tích, theo đó các nghiệp vụ kinh tế chỉ được ghi nhận khi phát sinh. Chưa phát sinh thì chưa ghi nhận.

6. Một số vấn đề khác liên quan tới giả định hoạt động liên tục

Trong trường hợp một công ty con được lập báo cáo tài chính trên cơ sở không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, tuy nhiên, tập đoàn vẫn hoạt động liên tục thì báo cáo tài chính hợp nhất của tập đoàn (bao gồm báo cáo của công ty con) sẽ được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục.

Khoản 4, điều 10, thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn về nguyên tắc chung khi lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất như sau:

“4. Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong những hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn.
a) Trường hợp công ty con sử dụng các chính sách kế toán khác với chính sách kế toán áp dụng thống nhất trong tập đoàn thì Báo cáo tài chính được sử dụng để hợp nhất phải được điều chỉnh lại theo chính sách chung của tập đoàn. Công ty mẹ có trách nhiệm hướng dẫn công ty con thực hiện việc điều chỉnh lại Báo cáo tài chính dựa trên bản chất của các giao dịch và sự kiện.”

Như vậy, nếu công ty con không đáp ứng giả định hoạt động liên tục và sử dụng break-up basis để lập báo cáo tài chính theo các hướng dẫn của thông tư 200/2014/TT-BTC thì khi lập báo cáo tài chính hợp nhất, công ty con phải điều chỉnh lại báo cáo tài chính của mình để phù hợp với giả định hoạt động liên tục của tập đoàn.

Nếu công ty con áp dụng và tuân thủ các quy định của IFRS trong việc lập báo cáo, và báo cáo của tập đoàn được lập theo chuẩn mực kế toán quốc tế thì tập đoàn có thể sử dụng ngay báo cáo tài chính của công ty con cho việc hợp nhất, không cần phải lập một báo cáo tài chính khác của công ty con chỉ để phục vụ mục đích hợp nhất.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments