Anh Lê Anh Tú có gửi tới AIEC câu hỏi như sau:
1. Câu hỏi số 1
“Mình lấy ví dụ:
Ở VIỆT NAM, có một tập đoàn X có 2 công ty con là A và B.
Công ty A có chuỗi cửa hàng chuyên bán lẻ các sản phẩm thiết bị điện tử và viễn thông.
Công ty B là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ sửa chữa các thiết bị điện tử và viễn thông các khách hàng lẻ và các đối tác lớn.
Công ty A hợp tác với APPLE để triển khai bán gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS cho thiết bị APPLE. Theo thoả thuận giữa APPLE và công ty A thì giá bán của gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS sẽ do công ty A quyết định, bên APPLE sẽ phát hành hoá đơn gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS cho công ty A. Điều kiện để khách hàng được mua gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS là thiết bị phải vừa mới được mua tại công ty A, chưa qua sửa chữa, bảo hành và chưa từng mua gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS nào. Tại thời điểm khách hàng có nhu cầu mua gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS (sau khi đã mua xong thiết bị APPLE), nhân viên bán hàng sẽ nhập liệu thông tin lên hệ thống thông tin của công ty A và đồng thời gọi sang hệ thống của APPLE để đăng ký thông tin, ngay khi bên hệ thống của APPLE phản hồi thông tin thành công thì bên công ty A phát hành hoá đơn cho khách hàng và thu tiền của khách hàng.
Công ty B hợp tác với APPLE để mở chuỗi cửa hàng có thương hiệu là C là TRUNG TÂM BẢO HÀNH UỶ QUYỀN của APPLE tại thị trường VIỆT NAM.
Mỗi khi khách hàng đã mua thiết bị APPLE và gói dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS tại công ty A có phát sinh nhu cầu bảo hành cho thiết bị thì khách hàng có thể đem thiết bị cần bảo hành đến bất kỳ cửa hàng hàng nào trong chuỗi cửa hàng của công ty A hoặc bất kỳ cửa hàng nào trong chuỗi cửa hàng C của công ty B. Trường hợp nếu khách hàng mang thiết bị cần bảo hành đến bất kỳ cửa hàng nào trong chuỗi cửa hàng của công ty A thì tại đây nhân viên đều chuyển thiết bị của khách đến cửa hàng trong chuỗi cửa hàng C của công ty B trong khu vực lân cận.
Mỗi phiên bảo hành mà kỹ thuật viên ở công ty B thực hiện để hoàn tất nghĩa vụ bảo hành giữa APPLE với khách hàng đều được bên APPLE trả phí dịch vụ, linh kiện dùng cho hoạt động bảo hành sẽ được bên APPLE fullfill về cho công ty B.
Trong mô hình trên, mình có một số thắc mắc muốn tham khảo ý kiến của mọi người như sau:
- Có 2 cách hiểu như sau:
Cách 1: Trong mô hình trên, sản phẩm là DỊCH VỤ BẢO HÀNH APPLE CARE PLUS, có thể hiểu là sản phẩm dịch vụ, được công ty A mua từ APPLE và bán cho công khách hàng.
Cách 2: Trong mô hình trên, sản phẩm mà công ty A mua từ APPLE và bán cho khách hàng là QUYỀN SỬ DỤNG DỊCH VỤ BẢO HÀNH APPLE CARE PLUS, còn dịch vụ bảo hành APPLE CARE PLUS là khách hàng sẽ được APPLE cung cấp sau khi khách hàng đã sở hữu QUYỀN SỬ DỤNG DỊCH VỤ BẢO HÀNH APPLE CARE PLUS do mua từ công ty A.
Vậy cách hiểu là là ĐÚNG hay cách hiểu là HỢP LÝ? - Việc xác định CHỦ THỂ và ĐẠI LÝ trong mô hình này nói riêng và trong các mô hình kinh doanh khác nói chung giúp ích cho việc gì?
Tạm thời mình muốn nhờ làm rõ 2 câu hỏi đó trước. Mong admin Nguyen Long và mọi người cho ý kiến, sau đó mình sẽ hỏi thêm vài ý nữa còn lại. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian chia sẻ.”
2. Câu hỏi số 2
“Mình xin phép bổ sung thêm trong giả thiết bài toán như sau:
Theo chính sách của APPLE, sau khi khách hàng đã mua QUYỀN SỬ DỤNG DỊCH VỤ BẢO HÀNH APPLE CARE PLUS từ công ty A thì khách hàng có quyền huỷ dịch vụ tại bất kỳ thời điểm nào. Tại thời điểm khách hàng yêu cầu huỷ dịch vụ, hệ thống của công ty A sẽ gọi sang hệ thống của APPLE, cung cấp cho APPLE giá bán mà công ty A đã bán cho khách hàng, bên APPLE sẽ phản hồi cho công ty A số tiền còn lại mà khách hàng sẽ được nhận lại, công ty A sẽ chi cho khách hàng số tiền này. Còn số tiền mà bên APPLE sẽ hoàn lại cho công ty A được tính theo công thức:
Số tiền APPLE hoàn trả cho công ty A = (Số tiền khách hàng được hoàn lại khi huỷ dịch vụ / Số tiền khách hàng thanh toán khi mua quyền sử dụng dịch vụ từ công ty A) x Số tiền bên APPLE bán quyền sử dụng dịch vụ cho công ty A
Như vậy, với giả thiết bổ sung này thì trong mô hình trên, công ty A vẫn đóng vai trò là AGENT hay là PRINCIPAL? Và doanh thu mà công ty A ghi nhận sẽ được tính như thế nào? Mình xin cảm ơn.”
Dưới đây là câu trả lời của chúng tôi để độc giả tham khảo:
1. Câu hỏi số 1
Chào anh Tú.
Để trả lời cho câu hỏi của anh thì chúng ta có thể liên tưởng tới một tình huống dễ hơn, đó là tình huống bán thẻ nạp điện thoại. Khách hàng mua thẻ nạp điện thoại từ các đại lý và nạp tiền, sau đó các công ty viễn thông sẽ là đơn vị cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Có hai đại lý hoạt động theo các mô hình như sau:
Mô hình 1: Để bán thẻ nạp cho khách hàng thì các đại lý phải mua trước một lượng lớn thẻ nạp từ các công ty viễn thông. Lúc này, các đại lý sẽ có một lượng hàng hóa và chịu rủi ro liên quan tới số hàng hóa này: ví dụ hàng hóa không bán được, ví dụ hỏa hoạn làm cháy số thẻ nạp trên, …
Mô hình 2: Với mô hình này, đại lý không tích trữ sẵn thẻ nạp mà trực tiếp kết nối với hệ thống của công ty viễn thông. Khi khách hàng mua hàng thông qua đại lý, đại lý sẽ chuyển thông tin đến công ty viễn thông để từ đó, công ty viễn thông trả lại thông tin thẻ nạp cho khách hàng.
Có thể thấy trong mô hình 1 thì hàng hóa (ở đây là thẻ nạp) thuộc quyền kiểm soát của đại lý trước khi số hàng hóa này được chuyển giao cho khách hàng. Còn đối với mô hình 2, trong suốt quá trình hàng hóa chuyển giao cho khách hàng thì bên đại lý hoàn toàn không có quyền kiểm soát đối với hàng hóa.
Lúc này, chuẩn mực họ gọi mô hình 1 là principal, còn mô hình 2 là agent.
Quay lại với bài toán ban đầu, điểm quan trọng chúng ta cần xác định ở đây là trước khi dịch vụ được chuyển giao cho khách hàng thì công ty A có quyền kiểm soát đối với phần dịch vụ này hay không.
Hãy xem xét giả định sau đây:
Giả định Apple phát hành dịch vụ Apple Care dưới dạng chứng chỉ bảo hành. Doanh nghiệp muốn bán dịch vụ này tại Việt Nam sẽ phải đặt mua trước các chứng chỉ này, khi khách hàng mua dịch vụ từ doanh nghiệp sẽ được doanh nghiệp cung cấp cho chứng chỉ (đã được mua từ Apple) với thông tin thiết bị theo thông tin mà khách hàng đăng ký.
Trong tình huống giả định này, hàng hóa ở đây là chứng chỉ bảo hành mà Apple bán cho đại lý. Trước khi các chứng chỉ này được chuyển giao cho khách hàng thì các đại lý kiểm soát các chứng chỉ này và do vậy, các đại lý này là principal trong giao dịch bán hàng.
Đối với tình huống gốc, có thể hiểu ở đây là khi khách hàng đăng ký dịch vụ bảo hành, các trung tâm ủy quyền sẽ gửi thông tin về cho Apple để đăng ký trên hệ thống. Trong quá trình này, công ty A chỉ đóng vai trò là trung gian, không trực tiếp kiểm soát hàng hóa và dịch vụ trước khi các hàng hóa và dịch vụ này được chuyển giao cho khách hàng. Như vậy, công ty A lúc này chỉ đóng vai trò là agent trong giao dịch trên.
Việc công ty A có quyền quyết định giá bán không làm thay đổi bản chất của giao dịch. Điểm quan trọng ở đây, như đã trình bày ở trên, là bên nào có quyền kiểm soát hàng hóa, dịch vụ trước khi các hàng hóa và dịch vụ này được chuyển giao cho khách hàng.
Cần xác định rõ principal hay agent trong giao dịch mua bán hàng hóa là bởi vì rủi ro và lợi ích trong các mô hình này rất khác nhau. Ví dụ:
- Principal sẽ thường có margin cao hơn so với agent, do sẽ phải chịu các rủi ro liên quan tới hàng tồn kho;
- Principal phải chịu các rủi ro liên quan tới hàng tồn kho (hỏng hóc, mất mát, chậm luân chuyển, …), rủi ro liên quan tới công nợ (công nợ khó thu hồi, không thu hồi được) trong khi đối với mô hình agent sẽ thường ít phải đối diện với các rủi ro này;
Vì mô hình kinh doanh khác nhau sẽ dẫn tới việc báo cáo doanh thu khác nhau (ghi nhận net hoặc gross) và do vậy, việc phân định nhằm mục đích cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính một cái nhìn chính xác nhất về hoạt động của doanh nghiệp cũng như các rủi ro kinh doanh mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Ví dụ, một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình principal mà không ghi nhận hàng tồn kho trên báo cáo tài chính (mặc dù có quyền kiểm soát), đồng thời doanh thu ghi nhận net sẽ cung cấp thông tin sai lệch cho người sử dụng báo cáo tài chính.
Tương tự, nếu một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình agent mà lại ghi nhận hàng hóa tồn kho, đồng thời ghi nhận doanh thu và giá vốn thì cũng sẽ gây mislead cho người sử dụng báo cáo tài chính.
2. Câu hỏi số 2
Giả thiết này không ảnh hưởng gì tới việc xác định công ty A là principal hay agent trong giao dịch nói trên anh nhé. Việc xác định công ty A là principal hay agent vẫn sẽ như các phân tích phía trên.
Đối với việc khách hàng được quyền hủy dịch vụ thì thứ chịu ảnh hưởng chính là thời điểm ghi nhận doanh thu. Anh có thể đọc thêm về sales with a right of return trong chuẩn mực IFRS 15.
Đối với các khoản doanh thu bán hàng mà khách hàng có quyền trả lại hàng hóa hoặc hủy dịch vụ thì Việt Nam mình yêu cầu khi nào khách hàng không còn trả lại được hàng nữa thì mới ghi nhận doanh thu. Ví dụ: Khách hàng mua bảo hành 1 năm, đã sử dụng được 3 tháng, còn lại 9 tháng (có thể trả lại) thì theo VAS, công ty A chỉ ghi nhận hoa hồng được hưởng tương ứng với 3 tháng sử dụng dịch vụ của khách hàng. Còn phí hoa hồng được hưởng liên quan tới 9 tháng còn lại sẽ được ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện.
IFRS 15 thì quy định khác với VAS. IFRS 15 yêu cầu doanh nghiệp dựa trên lịch sử bán hàng để ước tính có bao nhiêu khách hàng sẽ hủy dịch vụ. Giả sử công ty A bán được 100 gói bảo hành và theo lịch sử có 5% hủy dịch vụ sau 3 tháng và 10% hủy dịch vụ sau 6 tháng thì công ty A sẽ ghi nhận doanh thu như sau:
Doanh thu hoa hồng được hưởng = doanh thu hoa hồng 85 gói x 100% + doanh thu hoa hồng 5 gói x 3/12 + doanh thu hoa hồng 10 gói x 6/12.
Trong đó:
Doanh thu hoa hồng = Tổng tiền mà công ty A thu từ khách hàng – số tiền công ty A phải trả cho Apple
Một số khóa học nổi bật