Tại sao chúng ta nên học IFRS ngay từ bây giờ?

Nếu như trước đây, việc học và tìm hiểu về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế có thể vẫn chưa mang lại tính ứng dụng cao như mong muốn của người học, và điều này có thể khiến cho nhiều người e ngại thì giờ đây, khi Việt Nam đang trong lộ trình để áp dụng IFRS, việc nghiên cứu chuẩn mực kế toán quốc tế đã mang lại tính ứng dụng thực tiễn rất cao trong công việc kế toán.

Khi xã hội có sự chuyển dịch về cơ chế, và tin tôi đi, việc áp dụng IFRS ở Việt Nam có lẽ là một trong những sự chuyển dịch lớn nhất, tương tự như khi Việt Nam bắt đầu ban hành những chuẩn mực kế toán đầu tiên của mình, thì hoặc là chúng ta làm tất cả những gì có thể để nắm bắt được cơ hội này, hoặc là chúng ta sẽ bỏ lỡ chúng.

Vậy nên, đối với các bạn trẻ, và cả những anh chị đã lớn tuổi, khi chúng ta quyết định theo đuổi một thứ gì đó mới mẻ, chúng ta cần phải hiểu rõ được chúng ta sẽ phải đối mặt với điều gì. Bài viết này chia sẻ góc nhìn của cá nhân tôi, dựa trên các trải nghiệm của bản thân.

1. Học kế toán là học gì?

Để trở thành một kế toán giỏi cần rất nhiều những kiến thức và kỹ năng, và nó quá rộng để có thể trao đổi trong phạm vi bài viết này. Nhưng về cơ bản, một người khi mới bắt đầu theo đuổi sự nghiệp của một kế toán cần tập trung vào hai mảng kiến thức sau:
– Kiến thức về kế toán; và
– Kiến thức về pháp luật thuế.

Nếu như một người nắm vững kiến thức về một trong hai mảng, hoặc cả hai mảng này thì họ sẽ có một nền tảng cực kỳ vững chắc cho công việc sau này.

Học kế toán, là học về chuẩn mực kế toán.

2. Tại sao lại là chuẩn mực kế toán

Trong tất cả những câu chuyện của mình, khi tư vấn cho những người em, những người bạn về việc phát triển sự nghiệp của họ, tôi luôn nhắc đi nhắc lại một điều, hãy học chuẩn mực kế toán.

Bạn muốn công việc kế toán của mình sau này sẽ như thế nào? Chỉ gắn liền với những công việc nhập liệu đơn thuần, hay là bạn muốn làm những công việc lớn lao hơn nữa?

Tôi biết, nhiều bạn trẻ mới ra trường đều đổ xô đi học các khóa học về kế toán tổng hợp, về kê khai thuế với mong muốn trang bị được các kiến thức cần thiết để đảm bảo một vị trí công việc sau khi tốt nghiệp. Điều đó không có gì sai cả, bản thân tôi ngày trước cũng như vậy. Chỉ là, những kiến thức mà các trung tâm đó trang bị cho bạn chỉ đảm bảo việc bạn có được một công việc, nhưng nó không đủ để bạn có được một công việc tốt. Để có được một công việc tốt, chúng ta cần phải tự trang bị những kiến thức cho bản thân mình. Và để tự trang bị kiến thức cho bản thân mình, chúng ta cần biết được bản thân mình cần phải học gì, và cách sắp xếp thời gian để có thể đạt được mục tiêu đó.

Vấn đề trong việc học không nằm ở yếu tố thời gian, mà là cách chúng ta tận dụng chúng. Bản thân tôi có những bước thay đổi về mặt chuyên môn cũng là nhờ kiên trì với những yếu tố đó.

Tôi chưa từng gặp một kế toán giỏi nào mà không hiểu rõ về chuẩn mực kế toán, và tôi cũng chưa từng gặp một người nào giỏi về kiến thức chuẩn mực mà lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc cả. Vậy nên, các bạn có thể tin tưởng vào điều này.

3. Tại sao lại là chuẩn mực kế toán quốc tế

Xu hướng chung của thế giới hiện đại đang dịch chuyển dần về những tiêu chuẩn chung nhất, và chuẩn mực kế toán cũng không nằm ngoài guồng quay đó.

Tất nhiên, ngoại trừ các mục tiêu phát triển chuyên môn một cách đặc thù ra thì mọi người có thể nghiên cứu thêm về US GAAP hoặc các hệ thống chuẩn mực khác, hiện tại khi nhắc tới việc tìm hiểu về chuẩn mực kế toán thì sẽ là hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS).

Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam bao gồm 26 chuẩn mực kế toán, được ban hành lần đầu ngày 31/12/2001, cho tới nay đã được gần 20 năm mà không có bất kỳ một sự chỉnh sửa lớn nào.

Các kiến thức giờ đây trong chuẩn mực Việt Nam đã lỗi thời, và không có sự cập nhật thường xuyên để bắt kịp với thực trạng kinh tế vẫn đang thay đổi từng ngày.

Hơn nữa, sắp tới, Việt Nam cũng đang có đề án ban hành mới hoàn toàn bộ hệ thống chuẩn mực kế toán mới, có thể sẽ có thêm nhiều chuẩn mực mới, và nội dung của các chuẩn mực này sẽ tiệm cận hơn với các nguyên tắc kế toán của quốc tế.

Việc học và tìm hiểu về một hệ thống chuẩn mực kế toán tốn của người học rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, một khi đã bắt đầu, chúng ta xứng đáng nhận được những kiến thức tương xứng với nỗ lực mà chúng ta bỏ ra. Và việc lựa chọn một hệ thống chuẩn mực đã lỗi thời, có thể bị bỏ vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, theo quan điểm của tôi không phải là một sự lựa chọn đúng đắn. Việc đợi Bộ Tài Chính soạn thảo vào công bố bộ chuẩn mực mới cũng tốn một khoảng thời gian rất dài và tin tôi đi, bạn không muốn phải lùi việc học lại lâu như vậy đâu. Vậy nên, tại thời điểm này, trên quan điểm của cá nhân tôi, việc theo đuổi hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế là một sự lựa chọn đúng đắn.

4. Những khó khăn

Trước khi lựa chọn việc bắt đầu theo đuổi một điều gì đó, có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều băn khoăn rằng liệu mình sẽ phải đối mặt với những thử thách nào. Những điều dưới đây là đến từ những trải nghiệm của cá nhân tôi.

– Rào cản ngôn ngữ

Chuẩn mực kế toán quốc tế, đúng như với tên gọi của nó, được viết theo đúng thứ ngôn ngữ quốc tế – tiếng Anh. Đối với một số người, đây có lẽ không phải là một rào cản, nhưng với đa số mọi người, đây là một vấn đề mà sẽ khiến chúng ta lo sợ khi quyết định tìm hiểu về IFRS.

Thực ra thì Bộ Tài Chính đang trong quá trình dịch hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế sang tiếng Việt. Tuy nhiên quá trình dịch và chỉnh sửa cần rất nhiều thời gian, vậy nên, nếu có thể, chúng ta cần chủ động với việc học của mình, và đối đầu với rào cản ngôn ngữ là một trong số chúng.

Thời gian đầu, bản thân tôi cũng từng rất khó khăn khi tiếp cận với IFRS. Bản thân chuẩn mực đã là một thứ gì đó rất khó hiểu rồi, lại phải tiếp cận bằng một thứ ngôn ngữ khác, hẳn không phải là một thử thách dễ dàng gì. Thực ra thời gian đó, tiếng Anh của tôi không thực sự tệ, nhưng đó là tiếng Anh sử dụng trong giao tiếp. Còn khi nói về chuẩn mực kế toán, đó là thứ tiếng Anh học thuật, khó hơn và phải hiểu chính xác hơn rất nhiều. Tôi biết, có những khi chúng ta đọc một chuẩn mực hoàn toàn bằng tiếng Việt, hiểu rõ từng chữ trong đó, nhưng đến cuối cùng, vẫn chẳng thể hiểu được chuẩn mực muốn truyền tải điều gì. Đối mặt với những khó khăn đó, lại bằng cách sử dụng một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ, thực sự là một điều gì đó đáng sợ.

Bản thân tôi cũng từng trải qua những điều như thế. Vật lộn với từng quy định trong chuẩn mực, và luôn luôn lo sợ mình hiểu sai nghĩa so với những gì mà chuẩn mực muốn truyền tải. Nhưng có một điều tích cực mà tôi muốn truyền tải đến với mọi người, thời gian mà bạn phải vật lộn với những khó khăn ban đầu sẽ không kéo dài đâu. Hãy bắt đầu từ những chuẩn mực dễ nhất: IAS 2, IAS 16, … rồi tiến tới những chuẩn mực phức tạp hơn, bạn sẽ có thời gian để làm quen và xóa bỏ đi nỗi sợ hãi. Mọi việc rồi sẽ ổn, bản thân tôi đã làm được, và các bạn cũng sẽ làm được.

Trước khi quyết định tìm hiểu về IFRS, tôi cũng đã tự mình học các chuẩn mực kế toán Việt Nam. Khi đó, tôi đã quan niệm rằng, mặc dù có sự khác biệt giữa hai hệ thống chuẩn mực, việc học chuẩn mực Việt Nam, ở một góc độ nào đó sẽ trở thành nền tảng để sau này tôi có thể tiếp cận với các kiến thức trong chuẩn mực quốc tế một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, điều này không hề đúng một chút nào. Bạn hoàn toàn có thể học về IFRS mà không cần phải mất thời gian tìm hiều về VAS. Việc học VAS của tôi khi đó chỉ mang lại sự lãng phí về mặt thời gian. Và tôi chỉ nhận ra điều này khi bắt đầu những ngày đầu tiên để học về IFRS. Vậy nên, tôi muốn những người đọc được bài viết này không mắc phải những sai lầm của tôi ngày trước. Thời gian là thứ mà chúng ta không nên lãng phí.

– Một hệ thống kiến thức đồ sộ và vô cùng phức tạp

Khi đã vượt qua được rào cản ngôn ngữ, chúng ta mới đến với một thử thách thực sự, và là điều duy nhất có thể khiến cho chúng ta phải bỏ cuộc.

Những kiến thức của chuẩn mực kế toán quốc tế thực sự rất phức tạp và đồ sộ.

Hãy thử tưởng tượng về điều này: Việt Nam của chúng ta đã ban hành tổng cộng 26 chuẩn mực kế toán, con số này đối với chuẩn mực kế toán quốc tế là khoảng 43 chuẩn mực (tại thời điểm viết bài), đó là chưa kể khoảng 28 văn bản diễn giải chuẩn mực (cũng tại thời điểm viết bài) là SIC và IFRIC Interpretations. Mỗi chuẩn mực trong đó cũng có nội dung đồ sộ và phức tạp hơn rất nhiều so với chuẩn mực tương ứng của Việt Nam, với rất nhiều những điều khác biệt.

Vậy nên, nếu như các bạn quyết định tìm hiểu về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để vượt qua những khó khăn này. Chúng ta cần biết bản thân sẽ phải đối mặt với điều gì, và khi đã chấp nhận theo đuổi, khó khăn là thứ nhất định phải vượt qua.

– Sự tốn kém về mặt chi phí

Tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế đôi khi sẽ có thể tốn kém một chút. Sẽ có những tài liệu mà chúng ta phải mua, những khóa học mà chúng ta cần phải tham dự. Nhưng tôi tin rằng những kiến thức mà chúng ta đạt được là đáng giá so với số chi phí mà chúng ta phải bỏ ra.

5. Những thuận lợi

Chúng ta đã nói về những khó khăn nhiều rồi, vậy hãy dành một chút thời gian để nói về những thuận lợi nào.

– Chúng ta được học những kiến thức mới, hoàn toàn không có trong hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam

Một ví dụ để có thể hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng xét tới đoạn 9 trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 – Doanh thu và thu nhập khác:

“09 Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch trong chuẩn mực này được áp dụng riêng biệt cho từng giao dịch. Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch còn được áp dụng cho hai hay nhiều giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Trường hợp này phải xem xét chúng trong mối quan hệ tổng thể. Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng và đồng thời ký một hợp đồng khác để mua lại chính các hàng hóa đó sau một thời gian thì phải đồng thời xem xét cả hai hợp đồng và doanh thu không được ghi nhận.”

Như chúng ta đã thấy VAS 14 không cho phép kế toán ghi nhận doanh thu khi mà các giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Tuy nhiên, chuẩn mực lại không hề có sự giải thích rõ ràng về việc như thế nào là các giao dịch có quan hệ với nhau về mặt thương mại, hay là việc ghi nhận và trình bày thông tin kế toán cần được thực hiện như thế nào.

Tuy nhiên, IFRS 15 lại có sự giải thích rất cặn kẽ về vấn đề này, từ việc giao dịch như thế nào là có quan hệ với nhau về mặt thương mại và về việc giao dịch trong từng tình huống sẽ được xử lý như thế nào. Tất nhiên, chi tiết quy định của IFRS 15 về vấn đề này rất dài và khó có thể đề cập trong nội dung của bài viết ngày hôm nay. Nhưng điểm mấu chốt của vấn đề chính là, có những kiến thức mà người học chuẩn mực kế toán Việt Nam không biết, hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể học được chúng, nhưng lại là những kiến thức cơ bản đối với người học chuẩn mực kế toán quốc tế. Và khi học IFRS, bạn sẽ nhận được những điều như vậy.

– Chuẩn mực được viết một cách hết sức khoa học

Chuẩn mực kế toán quốc tế đã trải qua một quá trình chỉnh sửa và cải tiến rất nhiều. Vì vậy, các nội dung của chuẩn mực được trình bày một cách hết sức khoa học. Trong quá trình tìm hiều về chuẩn mực, với cùng một nội dung, tôi thấy việc đọc hiểu các nội dung của IFRS dễ dàng hơn rất nhiều so với nội dung tương đương trong VAS. Một ví dụ đó là IAS 10 và VAS 23 đều nói về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, tuy nhiên, trái ngược với những nội dung được viết một cách hết sức khoa học và dễ hiểu trong IAS 10, việc đọc các nội dung của VAS 23, đối với cá nhân tôi, không khác gì đang tìm hiểu về một sự kiện triết học, với một cách viết rối rắm và vô cùng khó hiểu.

– Chuẩn mực có ví dụ minh họa đi kèm

Chuẩn mực kế toán quốc tế có cả một hệ thống các ví dụ hướng dẫn về việc áp dụng các nội dung của chuẩn mực trong thực tế. Việt Nam cũng có thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực, nhưng chủ yếu tập trung vào hệ thống các tài khoản kế toán và các định khoản nợ có, về mặt bản chất khác hoàn toàn so với hệ thống hướng dẫn của IFRS và, nói một cách thật lòng, không mang lại nhiều giá trị cho người học.

– Chuẩn mực quốc tế có phần “Cơ sở cho việc đưa ra kết luận”

Đúng vậy, với mỗi quy định được đưa ra, Ủy ban soạn thảo chuẩn mực luôn có một khoảng thời gian hỏi ý kiến các tổ chức và cá nhân liên quan để cùng nhau thảo luận và để từ đó, Ủy ban soạn thảo sử dụng để làm căn cứ đưa ra quyết định. Thông thường, với mỗi chuẩn mực IAS và IFRS, Ủy ban soạn thảo cũng ban hành kèm theo các thảo luận liên quan tới một số quy định trọng tâm của chuẩn mực.

Đây không phải là một tài liệu bắt buộc phải sử dụng khi học về IFRS, một phần vì chúng rất dài. Tuy nhiên, nếu như bạn không hiểu về một vấn đề, và bạn muốn tìm hiểu thêm về chúng thì đây lại là một sự lựa chọn rất tốt. Trong khi đối với các quy định của kế toán Việt Nam, rất khó, nếu như không phải là gần như không thể, để chúng ta biết được rằng tại sao lại có những quy định như vậy.

– Tài liệu tham khảo bạt ngàn, và rất hay

Một điểm hay của chuẩn mực kế toán quốc tế đó là chúng được áp dụng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia và do vậy, khi bạn muốn tìm hiểu về một vấn đề thì khả năng cao là bạn sẽ tìm hiểu được những bài viết thảo luận tương ứng trên các diễn đàn quốc tế về vấn đề này.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là các công ty kiểm toán lớn cũng thường có những bài viết thể hiện quan điểm của họ, hoặc đôi khi là các guidance về một, hoặc một số vấn đề của chuẩn mực. Những bài viết này, thường là những bài thảo luận rất sâu, cũng như hướng dẫn rất chi tiết, bao gồm cả những ví dụ minh họa đối với từng trường hợp áp dụng chuẩn mực trong thực tế. Và tin tôi đi, đó sẽ là những tài liệu hay nhất mà các bạn từng đọc được.

Một ví dụ nhé:

Khi bạn muốn tìm tài liệu tham khảo về chủ đề vốn hóa chi phí đi vay tại Việt Nam, bạn có thể tìm được bao nhiêu bài viết chuẩn chỉnh và mang lại thông tin hữu ích về vấn đề mà bạn đang tìm kiếm?

Có lẽ chỉ có duy nhất một bài viết được đăng trên blog này là thực sự giúp bạn giải quyết được phần nào vấn đề của mình. Nhưng nếu bạn mở rộng việc tìm kiếm của mình ra thì sao? Hãy thử tìm kiếm những bài viết hướng dẫn việc áp dụng IAS 23, có lẽ bạn sẽ rất bất ngờ đấy.

Đó đều là những bài viết với mức độ chuyên sâu rất cao, và cung cấp rất nhiều các thông tin hữu ích so với bài viết trên blog này. Một ví dụ đó là bài viết của Grant Thornton về chủ đề IAS 23.

Điều mà tôi muốn nói rằng, đó là khi bạn không chỉ bó hẹp nội dung tìm kiếm của mình trong phạm vi các kiến thức của Việt Nam, có thể bạn sẽ học được rất nhiều các kiến thức mới, những kiến thức mà không thực sự quá khó, chỉ là chúng ta chưa tìm được những tài liệu hướng dẫn phù hợp.

Một số ví dụ khác để bạn có thể thấy được tài liệu hướng dẫn về IFRS dồi dào như thế nào:

Tài liệu hướng dẫn về IFRS 15 dài 478 trang của EY
Tài liệu dài 60 trang của KPMG thảo luận về IFRS 16

Tài liệu để học là không thiếu, chỉ là cách chúng ta sử dụng chúng như thế nào thôi.

6. Phương pháp học

Khi đã lựa chọn bắt đầu tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế, chúng ta có thể lựa chọn những con đường khác nhau. Có thể tham gia các khóa học, hoặc tự học đều được.

Nếu lựa chọn việc tham gia các khóa học, các bạn có thể tham khảo chương trình đào tạo các môn kế toán tài chính tại các trung tâm luyện thi ACCA. Còn không thì có thể tự học cũng không sao. Bản thân tôi cũng là tự học chứ không học ở trung tâm hay luyện thi chứng chỉ.

Một ưu điểm của việc tự học là bạn sẽ có nhiều thời gian để tìm hiểu và tiêu hóa các mảng kiến thức hơn, cũng như đào sâu tìm hiểu về các vấn đề mà bạn yêu thích. Còn việc học trung tâm sẽ tiết kiệm cho bạn nhiều thời gian để tìm hiểu về các vấn đề mà thầy cô có thể giải thích ngay cho bạn, tuy nhiên có thể đôi khi kiến thức của bạn sẽ chịu ảnh hưởng một phần nào đó từ góc nhìn của thầy cô trên trung tâm, trong một số trường hợp lại chưa phải là kiến thức đúng đắn nhất.

Hãy bắt đầu việc học, còn lại, lựa chọn học như thế nào là ở bạn. Hãy lựa chọn phương pháp học phù hợp nhất đối với bản thân mình.

7. Tài liệu học

Nếu như các bạn quyết định tự học, hoặc kể cả là học trung tâm đi chăng nữa, trong quá trình học, nếu có vấn đề cần giải quyết thì các bạn có thể tham khảo một số nguồn sau đây:

Google: Cái gì khó cứ tra google, khả năng cao là bạn sẽ tìm được điều mình cần. Google chắc là công cụ mà tôi sử dụng nhiều nhất rồi.
IFRSbox
Grant Thornton Insight
PwC IFRS insight & guidance
KPMG’s insights
EY IFRS technical resources

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments