Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán

Một câu chuyện nhỏ từ trải nghiệm làm kiểm toán của tôi.

Trước đây, khi tham gia các job kiểm toán, tôi thường nhắc các đồng nghiệp của mình chú ý việc kết xuất các dữ liệu kế toán sau niên độ, tức các dữ liệu kế toán sau ngày kết thúc năm tài chính. Thủ tục kiểm tra sau niên độ là một thủ tục cơ bản và bắt buộc của kiểm toán, tuy nhiên không phải mọi người đều hiểu đúng về thủ tục quan trọng này.

Rất nhiều lần, khách hàng hỏi các thành viên trong nhóm tôi về việc kết xuất các dữ liệu này, bởi vì đối với họ, chúng tôi chỉ làm việc và xác nhận số liệu báo cáo của đơn vị tại thời điểm kết thúc năm tài chính và vì vậy, việc kết xuất và kiểm tra các dữ liệu sau ngày này là một việc có vẻ như không có nhiều ý nghĩa. Và rất nhiều lần, các bạn trong nhóm tôi trả lời khách hàng rằng các dữ liệu kế toán sau niên độ được sử dụng để thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế đối với các khoản công nợ chưa có xác nhận công nợ tại thời điểm kiểm toán.

Câu trả lời của các bạn ấy không hẳn là sai, nhưng vẫn còn rất xa so với ý nghĩa thực sự của thủ tục kiểm toán. Và chỉ khi hiểu được ý nghĩa thật sự của các dữ liệu này, chúng ta mới có thể thấy hết được sự quan trọng của dữ liệu kế toán sau niên độ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính.

Bạn có đang nghĩ rằng việc lập báo cáo tài chính chỉ liên quan tới các bút toán hạch toán từ ngày 01/01 tới hết ngày 31/12 hàng năm và các bút toán hạch toán trong năm sau thì không có ảnh hưởng gì tới số liệu báo cáo tài chính năm trước đó? Nếu đây là quan niệm hiện tại của bạn thì nó cũng giống với suy nghĩ của rất nhiều người làm kế toán tại Việt Nam, và đây không phải là một quan niệm kế toán đúng. Bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các sự kiện sau niên độ tới số liệu báo cáo tài chính.

Nói một cách ngắn gọn, số liệu báo cáo tài chính của đơn vị không chỉ phản ánh các giao dịch kế toán diễn ra trong năm, mà bao gồm cả các giao dịch kế toán kể từ thời điểm kết thúc năm tới thời điểm phát hành báo cáo tài chính (các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán). Các sự kiện này thuộc phạm vi điều chỉnh của chuẩn mực kế toán số 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Chuẩn mực định nghĩa các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là những sự kiện có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến báo cáo tài chính đã phát sinh trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày phát hành báo cáo tài chính.

Có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm:
– Các sự kiện điều chỉnh (Adjusting events): Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm nhưng cung cấp bằng chứng về tình trạng đã tồn tại trong năm tài chính.
– Các sự kiện không điều chỉnh (Non-adjusting events): Là những sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cung cấp bằng chứng về tình trạng chỉ phát sinh sau khi kết thúc năm tài chính.

Doanh nghiệp phải điều chỉnh các số liệu đã được ghi nhận trong báo cáo tài chính để phản ánh các sự kiện điều chỉnh (Adjusting events).

Doanh nghiệp không điều chỉnh các số liệu đã ghi nhận trong báo cáo tài chính về các sự kiện không điều chỉnh (Non-adjusting events). Nếu các sự kiện này có ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chuẩn mực yêu cầu doanh nghiệp thuyết minh các thông tin sau:
– Bản chất của sự kiện; và
– Uớc tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc lý do không thể ước tính được các ảnh hưởng này.

Ngoại lệ của các nguyên tắc chung trên, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán có ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp được kế toán như các sự kiện điều chỉnh. Lúc này, báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được lập dựa trên giả định hoạt động không liên tục.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ không tập trung vào nội dung phân biệt giữa các sự kiện điều chỉnh và các sự kiện không điều chỉnh. Thay vào đó, chúng ta cần hiểu được ảnh hưởng của các sự kiện này tới số liệu báo cáo tài chính của doanh nghiệp như thế nào. Hãy cùng xem xét một số ví dụ dưới đây:

Ví dụ 1:
Ngày 20/12/20X8, Công ty A bán cho Công ty B một lô hàng Y với giá bán 20 tỷ đồng, giá vốn 15 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính của Công ty A tại ngày 31/12/20X8 như sau:
– Doanh thu bán hàng cho B: 20 tỷ đồng
– Giá vốn bán hàng cho B: 15 tỷ đồng
– Phải thu Công ty B: 20 tỷ đồng
– Hàng tồn kho Y: 10 tỷ đồng

Ngày 30/01/20X9, do phát hiện một số lượng hàng trước đó do Công ty A giao bị lỗi, Công ty B trả lại Công ty A một phần số hàng Y trên. Giá trị lô hàng Y trả lại là 8 tỷ đồng (giá vốn hàng bán là 6 tỷ đồng) và Công ty B không có nghĩa vụ phải thanh toán cho Công ty A đối với số hàng bị lỗi này. Biết báo cáo tài chính của Công ty A được phát hành ngày 10/02/20X9.

Trong ví dụ trên, việc Công ty B trả lại hàng cho Công ty A trong năm 20X9 là một sự kiện điều chỉnh. Thực tế, việc lô hàng Y bán cho B bị lỗi đã tồn tại trong năm 20X8, tuy nhiên tới đầu năm 20X9 thì Công ty B mới phát hiện ra vấn đề này và trả lại hàng. Vì vậy, báo cáo tài chính tại ngày 31/12/20X8 của Công ty A cần phải điều chỉnh cho sự kiện này. Số liệu báo cáo tài chính sau điều chỉnh như sau:
– Doanh thu bán hàng cho B: 20 tỷ đồng
– Hàng bán bị B trả lại: (8) tỷ đồng
– Doanh thu thuần bán hàng cho B: 12 tỷ đồng
– Giá vốn bán hàng cho B (*): 11 tỷ đồng
– Phải thu Công ty B: 12 tỷ đồng
– Hàng tồn kho Y (*): 14 tỷ đồng

(*): Công ty A đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện được (NRV) của số hàng tồn kho được B trả lại là 4 tỷ đồng. Do vậy, Công ty A ghi giảm giá vốn hàng bán và tăng hàng tồn kho với giá trị tương ứng.

Ví dụ 2:
Công ty A nhập khẩu hàng hóa X và bán tại thị trường trong nước. Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có khoản nợ với Công ty B (là nhà cung cấp chính của A) với số tiền 1.000.000 FC. Tỷ giá ngoại tệ tại ngày 31/12/20X8 là 1 FC = 10.000 VND, giá trị quy đổi công nợ tại ngày này là 10 tỷ đồng. Công ty A phát hành báo cáo tài chính tại ngày 30/01/20X9. Trong tháng 01/20X9, tỷ giá giữa đồng FC và VND có sự biến động rất mạnh. Ngày 20/01/20X9, Công ty A đã thanh toán toàn bộ giá trị công nợ trên cho nhà cung cấp B, với tỷ giá tại thời điểm thanh toán là 1 FC = 15.000 VND, tương đương số tiền 15 tỷ đồng.

Việc tỷ giá trong tháng 01/20X9 có sự biến động mạnh là sự kiện không điều chỉnh. Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A quy đổi công nợ phải trả sử dụng tỷ giá được niêm yết trên thị trường và phản ánh chính xác tình trạng công nợ với nhà cung cấp B tại ngày này. Thực tế, Công ty A hoàn toàn có thể lựa chọn việc thanh toán công nợ cho nhà cung cấp tại ngày 31/12/20X8 và nhờ vậy, tránh được các tác động xấu từ chênh lệch tỷ giá trong năm 20X9. Do vậy, Công ty A không cần phải điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính tại ngày 31/12/20X8 cho sự kiện này. Giá trị công nợ phải trả nhà cung cấp B vẫn được trình bày trên báo cáo tài chính với giá trị 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, do các sự kiện này có ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của Công ty A, vì vậy, trong thuyết minh báo cáo năm 20X9, Công ty A thuyết minh bổ sung thêm các thông tin về:
– Sự biến động tỷ giá trong tháng 01/20X9;
– Ảnh hưởng của sự biến động này tới tình hình tài chính, kết quả hoạt động của Công ty trong tháng 01/20X9.

Ví dụ 3:
Tại ngày 31/12/20X8, Công ty A có một số chỉ tiêu trên báo cáo tài chính như sau:
– Hàng tồn kho: 20 tỷ đồng

Tại ngày 15/01/20X9, Công ty A xảy ra hỏa hoạn tại một kho hàng dẫn tới cháy toàn bộ số hàng tồn kho tại kho hàng trên với giá trị là 5 tỷ đồng. Báo cáo tài chính của Công ty A được phát hành ngày 20/02/20X9.

Sự kiện Công ty A xảy ra hỏa hoạn dẫn tới cháy hàng tồn kho tại ngày 15/01/20X9 là một sự kiện không điều chỉnh. Sự kiện hỏa hoạn là sự kiện xảy ra hoàn toàn trong năm 20X9, không hề ảnh hưởng tới tình trạng hàng tồn kho của Công ty tại ngày 31/12/20X8. Công ty A hoàn toàn có thể bán số hàng tồn kho này trong năm 20X8 (trước khi xảy ra sự kiện hỏa hoạn) mà không gặp bất kỳ sự suy giảm giá trị nào liên quan tới số hàng tồn kho này. Vì vậy, Công ty A không điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính năm 20X8 cho sự kiện này, giá trị hàng tồn kho được trình bày trên báo cáo là 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty A thuyết minh về các thông tin liên quan tới sự kiện này trên báo cáo tài chính năm 20X8, tương tự như tại ví dụ 2.

Một trường hợp khác, vụ hỏa hoạn ngày 15/01/20X9 đã thiêu rụi hoàn toàn số hàng tồn kho của Công ty A dẫn tới tình trạng tài chính của Công ty A hết sức khó khăn. Tại thời điểm phát hành báo cáo tài chính, các chủ sở hữu Công ty đang tính đến phương án thực hiện các thủ tục phá sản cho Công ty A. Lúc này, sự kiện hỏa hoạn trong năm 20X9 làm ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Do vậy, sự kiện này được kế toán như một sự kiện điều chỉnh và báo cáo tài chính năm 20X8 của Công ty A được lập dựa trên giả định hoạt động không liên tục.

Cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ toán tới số liệu báo cáo tài chính cũng như sự quan trọng của các sự kiện này trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Một số khóa học nổi bật

Bài viết cùng chủ đề:

Subscribe
Notify of
guest

1 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments