Một số điểm chưa chặt chẽ trong quy định hợp nhất báo cáo tài chính của thông tư 202

Điều 40 thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về nguyên tắc xử lý khoản dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hoá và bảo hành công trình xây dựng như sau:

“Khi doanh nghiệp bán hàng hoá hoặc công trình xây dựng, doanh nghiệp phải trích dự phòng bảo hành nếu hàng hoá hoặc công trình xây dựng có hỏng hóc, sai sót. Việc bảo hành có thể được thực hiện bởi bản thân doanh nghiệp, thuê một đơn vị trong nội bộ tập đoàn hoặc thuê ngoài. Khi trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây dựng có thể doanh nghiệp chưa xác định được nghĩa vụ bảo hành có thực tế xảy ra hay không và đơn vị thực hiện việc bảo hành. Vì vậy, khi trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng không cần phải điều chỉnh trên BCTC hợp nhất.”

Dựa trên quy định của thông tư, hãy cùng tìm cách xử lý một số tình huống sau:

1. Tình huống 1

Công ty con là một công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Công ty mẹ có nhu cầu xây dựng một tòa nhà văn phòng và thuê công ty con thực hiện công việc xây dựng.

Điều khoản hợp đồng quy định công ty con sẽ phải bảo hành công trình trong 3 năm. Chi phí bảo hành ước tính của công ty con cho công trình này là 25 tỷ đồng. Tại thời điểm nghiệm thu ghi nhận doanh thu, công ty con cũng đồng thời ghi nhận chi phí bảo hành công trình và dự phòng phải trả về bảo hành công trình với số tiền 25 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là: Tập đoàn sẽ xử lý chi phí bảo hành công trình này trên báo cáo tài chính hợp nhất như thế nào?

Điều 3 thông tư 202/2014/TT-BTC quy định về báo cáo tài chính hợp nhất như sau:

“Tổng hợp và trình bày một cách tổng quát, toàn diện tình hình tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán, kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ trong kỳ kế toán của tập đoàn như một doanh nghiệp độc lập không tính đến ranh giới pháp lý của các pháp nhân riêng biệt là công ty mẹ hay các công ty con trong tập đoàn.”

Điều này có nghĩa là, đứng trên góc độ báo cáo tài chính hợp nhất, sẽ không còn có sự phân biệt giữa công ty mẹ và công ty con nữa, mà lúc này sẽ chỉ còn lại một chủ thể duy nhất là tập đoàn.

Ở trên báo cáo tài chính riêng, chúng ta có giao dịch công ty con thực hiện thi công xây dựng tài sản cho công ty mẹ. Còn ở góc độ báo cáo tài chính hợp nhất, chúng ta có giao dịch tập đoàn tự thực hiện xây dựng tài sản cho chính nó.

Vậy một công ty có tự xây dựng tài sản, rồi lại tự trích lập nghĩa vụ bảo hành cho chính tài sản đó hay không?

Và giao dịch này có cần phải điều chỉnh khi lập báo cáo tài chính hợp nhất hay không?

2. Tình huống 2

Công ty mẹ A là công ty sản xuất, công ty con B là công ty phân phối.

Trong kỳ, công ty mẹ bán hàng hóa X cho công ty con B. Điều khoản hợp đồng quy định công ty mẹ có nghĩa vụ bảo hành số hàng hóa trên trong 2 năm kể từ thời điểm bàn giao hàng hóa cho công ty con B.

Tại thời điểm bàn giao hàng hóa, công ty mẹ ghi nhận doanh thu bán hàng, đồng thời trích lập dự phòng bảo hành hàng hóa với số tiền 20 tỷ đồng. Biết số hàng hóa trên chưa được công ty con B bán ra bên ngoài tại thời điểm cuối năm.

Ở góc độ báo cáo tài chính riêng, công ty mẹ có nghĩa vụ bảo hành hàng hóa cho công ty con B. Tuy nhiên, ở góc độ báo cáo tài chính hợp nhất, tập đoàn chưa hề bán số hàng hóa trên ra bên ngoài, do vậy, tập đoàn chưa hề có nghĩa vụ phải bảo hành sản phẩm.

Rõ ràng, lúc này ở góc độ báo cáo tài chính hợp nhất, tập đoàn phải loại trừ bút toán trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm trên báo cáo tài chính của công ty mẹ.

Tuy nhiên, trong cả hai tính huống nêu trên, nếu căn cứ theo câu từ của thông tư thì “khi trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hoá, công trình xây dựng không cần phải điều chỉnh trên BCTC hợp nhất“.

3. Tình huống 3

Công ty mẹ A là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Trong năm, công ty mẹ có xây dựng một công trình cho khách hàng X (là đối tượng bên ngoài tập đoàn).

Sau khi việc xây dựng hoàn tất, đồng thời với việc ghi nhận doanh thu, công ty mẹ ghi nhận nghĩa vụ bảo hành công trình với số tiền là 25 tỷ đồng.

Việc bảo hành công trình có thể được công ty mẹ tự thực hiện, thuê công ty con B thực hiện hoặc thuê các đối tượng khác bên ngoài tập đoàn.

Khi lập báo cáo tài chính hợp nhất trong trường hợp này, rất khó để tập đoàn có thể xác định được chính xác chi phí bảo hành thực tế phát sinh. Do đó, có thể tập đoàn sẽ không cần phải đưa ra các điều chỉnh liên quan tới khoản chi phí bảo hành công trình này khi lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Theo quan điểm của người viết, tinh thần mà thông tư 202 muốn hướng đến chính là tình huống số 3 này. Tuy nhiên, với việc câu từ trong thông tư chưa được chặt chẽ, sẽ dẫn đến việc người đọc hiểu nhầm và áp dụng sai khi xử lý các tình huống như ở tình huống số 1 và số 2 nêu trên.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments