Kế toán và chuyện chênh lệch tỷ giá

Thông tư 200/2014/TT-BTC được ban hành ngày 22/12/2014 và có hiệu lực cho năm tài chính từ ngày 01/01/2015. Tới hiện tại đã được gần 5 năm kể từ khi Thông tư có hiệu lực, và kế toán vẫn còn cãi nhau về việc sử dụng tỷ giá mua, hay tỷ giá bán chuyển khoản.

Thực ra đã một thời gian rất dài rồi, tớ không còn có khái niệm là tỷ giá mua chuyển khoản hay tỷ giá bán chuyển khoản. Khi nhắc tới tỷ giá áp dụng cho việc ghi nhận kế toán, trong đầu tớ chỉ liên tưởng tới ba loại tỷ giá: tỷ giá ghi sổ, tỷ giá thực tế tại ngày diễn ra giao dịch và tỷ giá sử dụng để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại ngày lập báo cáo tài chính.

Tỷ giá mua hay tỷ giá bán chuyển khoản, suy cho cùng, cũng chỉ là một dạng của tỷ giá thực tế tại ngày diễn ra giao dịch. Và bạn biết điều gì không, tỷ giá thực tế thì đáng lẽ không nên phức tạp như vậy.

Tớ biết kế toán vốn dĩ là một thứ thực sự rất phức tạp. Kế toán có thể được ví như một môn khoa học trong việc thu thập, xử lý và trình bày thông tin. Nói như vậy để thấy báo cáo tài chính đòi hỏi một sự chính xác rất cao. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc là chúng ta cần phải phức tạp hóa tất cả những thứ đơn giản. Có những thứ phức tạp nhưng mang lại giá trị thực sự, và cũng có những thứ phức tạp nhưng lại chẳng mang lại giá trị gì đáng kể.

Đối với tớ, tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản là một thứ phức tạp nhưng ít mang lại giá trị cho kế toán. Mà phàm là cái gì ít giá trị thì chúng ta nên bỏ đi.

Theo đánh giá của tớ, quy định về tỷ giá mua và tỷ giá bán trong kế toán chênh lệch tỷ giá là một quy định không mang lại hiệu quả như những gì mà những nhà soạn thảo thông tư mong đợi. Lợi ích từ sự chính xác của số liệu kế toán thì chưa rõ tới đâu, nhưng rõ ràng là quy định này khiến cho kế toán gặp khó khăn rất nhiều trong thực tế công việc.

Chẳng vậy mà ngày 21/03/2016, tức là chỉ sau một năm áp dụng, Bộ Tài Chính đã phải ban hành thông tư 53/2016/TT-BTC để sửa đổi lại nội dung về chênh lệch tỷ giá quy định tại thông tư 200.

Cái sự phức tạp của thông tư 200, không đơn thuần đến từ các quy định về tỷ giá mua và tỷ giá bán chuyển khoản, mà một phần đến từ sự thiếu nhất quán trong việc xây dựng các quy định của Thông tư.

Hãy cùng phân tích một ví dụ sau:

Công ty A mua một dây chuyền sản xuất X từ công ty B với giá trị 12.000 USD. Ngày 01/04/N, Công ty A ứng trước cho Công ty B toàn bộ giá trị tài sản (12.000 USD). Ngày 01/09/N, Công ty B bàn giao dây chuyền sản xuất trên cho Công ty A.

Câu hỏi đặt ra là: dây chuyền sản xuất X được ghi nhận trên báo cáo tài chính theo tỷ giá nào?

Chúng ta có thể dễ dàng kết luận tài sản X cần được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày 01/04/N (tức thời điểm ứng trước cho Công ty B). Vấn đề đặt ra ở đây là, tỷ giá thực tế lúc này là tỷ giá mua hay tỷ giá bán?

Khoản 1.3, điều 69 thông tư 200 quy định về nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế như sau:

“Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.”

Tại ngày 01/04/N, giao dịch tạm ứng tiền cho nhà cung cấp tạo thành một khoản mục tài sản trên báo cáo tài chính (Trả trước cho nhà cung cấp), đồng thời giao dịch này được thanh toán ngay bằng tiền (thay vì ghi công nợ phải trả nhà cung cấp), do vậy, có thể hiểu là giao dịch này thỏa mãn các điều kiện trong đoạn 1.3, điều 69 thông tư 200 như đã trích dẫn ở trên.

Điều này dẫn tới kết luận là khoản tạm ứng cho nhà cung cấp được ghi nhận theo tỷ giá mua chuyển khoản. Giá trị của dây chuyền X được ghi nhận theo giá trị của khoản tạm ứng và do vậy, cũng được ghi nhận theo tỷ giá mua chuyển khoản. Điều này phản ánh đúng bản chất của giao dịch là đây là một giao dịch trả tiền ngay.

Kết luận này tương tự với việc, tại ngày 01/04/N, Công ty A thanh toán tiền, đồng thời ghi tăng dây chuyền sản xuất nhận được từ B.

Trên quan điểm của tớ, việc Công ty A nhận tài sản ngay tại ngày 01/04/N hay là nhận tài sản sau đó 5 tháng không ảnh hưởng tới bản chất của giao dịch và do vậy, không ảnh hưởng tới tỷ giá ghi nhận tài sản. Đây là một giao dịch thanh toán ngay.

Tuy nhiên, tại khoản 1c), điều 51 thông tư 200 lại quy định về nguyên tắc kế toán tài khoản 331 – Phải trả người bán như sau:

“Riêng trường hợp phát sinh giao dịch ứng trước tiền cho nhà thầu hoặc người bán thì bên Nợ tài khoản 331 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá bán của ngân hàng nơi thường xuyên có giao dịch) tại thời điểm ứng trước;”

Rõ ràng, giữa điều 69 và điều 51 của thông tư 200 lúc này có một sự mâu thuẫn trong việc xác định tỷ giá sử dụng đối với khoản tạm ứng cho nhà cung cấp. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, số dư nợ tài khoản 331 là một khoản mục tài sản trên báo cáo tài chính. Và khoản mục này không có tính chất của một khoản công nợ. Vì vậy, trên quan điểm của mình, tớ nghĩ rằng việc thông tư quy định sử dụng tỷ giá bán để ghi nhận khi doanh nghiệp ứng trước tiền cho nhà cung cấp là không thực sự hợp lý.

Đến đây, có thể mọi người vẫn chưa cảm thấy thuyết phục? Vậy chúng ta hãy cùng mổ xẻ tiếp tình huống dưới đây:

Vẫn là Công ty A và Công ty B. Tại ngày 01/04/N, Công ty A thanh toán cho Công ty B số tiền 12.000 USD, nhưng lần này số tiền được trả trước cho việc thuê văn phòng trong vòng 1 năm kể từ ngày 01/09/N.

Có thể dễ dàng nhận thấy bút toán hạch toán tại ngày 01/04/N như sau:

Nợ TK 242: 12.000 USD x tỷ giá mua chuyển khoản ngày 01/04
Nợ TK 635: Nếu phát sinh lỗ chênh lệch tỷ giá
Có TK 112: 12.000 USD x tỷ giá ghi sổ của tài khoản tiền
Có TK 515: Nếu phát sinh lãi chênh lệch tỷ giá

Đối với trường hợp ghi nhận chi phí trả trước, có thể dễ dàng đi tới kết luận sử dụng tỷ giá mua chuyển khoản cho việc ghi nhận đối với khoản mục này.

Vậy cây hỏi đặt ra là, khoản mục “Trả trước cho người bán” và khoản mục “Chi phí trả trước” có bản chất kế toán giống hay khác nhau?

Với toàn bộ các hiểu biết về kế toán của mình, tớ có thể khẳng định bản chất của hai khoản mục này là như nhau. Một là ứng trước tiền cho việc nhận được hàng hóa trong tương lai (Trả trước cho người bán), và một là ứng trước tiền cho việc nhận được dịch vụ trong tương lai (Chi phí trả trước).

Vậy nhưng, theo thông tư 200 thì cách xử lý kế toán liên quan tới chênh lệch tỷ giá của hai khoản mục này hoàn toàn khác nhau. Việc còn lại thì tớ để cho mọi người tự đánh giá.

Đó, nói vậy để thấy, việc dân kế toán cứ loạn cào cào lên, lúc thì tỷ giá mua, lúc thì tỷ giá bán không biết đằng nào mà lần, nhiều khi chưa hẳn đã là do lỗi của họ. Mà ngay từ trong thông tư, đã tồn tại những điều mâu thuẫn với nhau, mà chẳng dựa trên một nguyên tắc thống nhất nào cả rồi. Mà như vậy, muốn để người làm công tác thực tế hiểu được các nguyên lý đằng sau nó, thực sự khó lắm.

Vậy nên, mỗi khi có ai đó hỏi tớ về việc họ nên sử dụng tỷ giá mua hay tỷ giá bán trong trường hợp này, câu trả lời của tớ vẫn luôn là hãy sử dụng tỷ giá trung bình, bởi vì chỉ có tỷ giá trung bình mới là chân ái.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

9 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments