Kế toán chi phí quà tặng khách hàng

Theo mọi người, đâu là thời điểm chúng ta ghi nhận các chi phí liên quan tới quà tặng cho khách hàng, đối tác?

a) Thời điểm chúng ta nhận được các hàng hóa, dịch vụ được sử dụng làm quà tặng;
b) Thời điểm chúng ta chuyển giao các hàng hóa, dịch vụ này cho đối tác.

Trong thực tế kế toán tại Việt Nam, đa phần kế toán sẽ xử lý kế toán theo phương án b, tức là việc ghi nhận chi phí sẽ chỉ được thực hiện khi doanh nghiệp chuyển giao quà tặng cho đối tác. Các bút toán ghi nhận kế toán có thể được tóm tắt như sau:

  • Ghi nhận giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập mua làm quà tặng cho đối tác:
    Nợ TK 156/Có TK 331
  • Khi chuyển giao quà tặng cho đối tác:
    Nợ TK 641/Có TK 156

Trong trường hợp quà tặng được mua sắm tại thời điểm cuối năm và doanh nghiệp vẫn chưa chuyển giao các quà tặng này cho đối tác thì doanh nghiệp sẽ ghi nhận một lượng hàng tồn kho trên báo cáo tài chính tương ứng với số quà tặng trên. Đồng thời, các chi phí liên quan tới quà tặng chưa được ghi nhận là chi phí trong kỳ.

Vậy vấn đề này được quy định như thế nào tại chuẩn mực kế toán?

Đoạn 69 của chuẩn mực IAS 38 – Tài sản vô hình quy định như sau:

“69 Trong một số trường hợp, khoản chi phát sinh để đem lại lợi ích kinh tế tương lai cho đơn vị nhưng không có tài sản vô hình hoặc tài sản khác nào được ghi nhận trên báo cáo tài chính. Trong trường hợp mua hàng hóa, đơn vị ghi nhận khoản chi này là chi phí khi đơn vị có quyền tiếp cận đối với các hàng hóa này. Trong trường hợp mua dịch vụ, đơn vị ghi nhận khoản chi này là chi phí khi đơn vị nhận được dịch vụ. Một số ví dụ về khoản chi được ghi nhận là chi phí khi phát sinh bao gồm:

(c) khoản chi cho hoạt động quảng cáo

69A Đơn vị có quyền tiếp cận đối với hàng hóa khi đơn vị sở hữu số hàng hóa đó. Tương tự, đơn vị có quyền tiếp cận hàng hóa khi nhà cung cấp đã sản xuất các hàng hóa này theo các điều khoản của hợp đồng cung cấp và đơn vị có thể yêu cầu nhà cung cấp giao hàng để đổi lại khoản thanh toán. Dịch vụ được nhận khi nhà cung cấp đã thực hiện dịch vụ theo hợp đồng nhằm chuyển giao các dịch vụ này cho đơn vị mà không phải là khi đơn vị sử dụng chúng để cung cấp một dịch vụ khác, ví dụ cung cấp dịch vụ quảng cáo đến khách hàng.

Như vậy, có thể thấy, theo các quy định của chuẩn mực thì các khoản chi mua sắm quà tặng cho khách hàng cần được ghi nhận là chi phí trong kỳ ngay tại thời điểm mà doanh nghiệp có quyền tiếp cận đối với số quà tặng này mà không phụ thuộc vào thời điểm doanh nghiệp chuyển giao quà tặng cho đối tác.

Như vậy, trái với các thực hành kế toán tại Việt Nam, phương án a mới là phương án ghi nhận đúng theo các quy định của chuẩn mực.

Để giải thích cho quy định trên, Ủy ban soạn thảo chuẩn mực nói rằng các hàng hóa được mua phục vụ cho mục đích quảng cáo không có mục đích sử dụng nào khác ngoài mục đích quảng cáo hình ảnh của công ty. Hay nói cách khác, lợi ích duy nhất mà công ty nhận được từ các hàng hóa này là để phát triển hình ảnh, thương hiệu của công ty, hoặc mối quan hệ với khách hàng, để từ đó tạo ra doanh thu. Tuy nhiên, áp dụng quy định của chuẩn mực IAS 38, công ty không ghi nhận tài sản vô hình đối với các thương hiệu được hình thành nội bộ hoặc các mối quan hệ với khách hàng.

Một số khóa học nổi bật

Subscribe
Notify of
guest

2 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments