Bài viết này là phần 1 trong series hai bài viết chia sẻ về kinh nghiệm học IFRS. Quý vị độc giả có thể đọc phần 2 tại đây.
Ngày 20/12/2020, nhóm Cộng đồng IFRS Việt Nam có thực hiện một khảo sát để đánh giá mức độ quan tâm của người làm kế toán, kiểm toán tại Việt Nam đối với việc học và tìm hiểu về IFRS. Kết quả khảo sát tại ngày 08/01/2021 như sau:
Trong đó:
- 104 người thể hiện mức độ quan tâm với việc học IFRS, tuy nhiên lại chưa có một định hướng học cụ thể, chiếm tỷ lệ 65%;
- 31 người đang trong quá trình học IFRS, chiếm tỷ lệ 19%;
- 14 người có sự quan tâm về IFRS, tuy nhiên chưa quyết định xem có học hay không, chiếm tỷ lệ 9%;
- 10 người muốn học IFRS nhưng chưa lựa chọn được một chương trình học phù hợp. chiếm tỷ lệ 6%.
Do phạm vi của cuộc khảo sát chỉ gói gọn trong các thành viên của nhóm, vì vậy kết quả của khảo sát này có thể chưa phản ánh được một cách chính xác nhất nhu cầu tìm hiểu về IFRS hiện tại của thị trường.
Bài viết này sẽ chia sẻ cho người đọc một số kinh nghiệm trong việc học và tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế.
1. IFRS có khó không?
Nói một cách thực lòng thì IFRS không hề dễ một chút nào. Một vài khó khăn mà người học có thể gặp phải trong quá trình học IFRS có thể kể đến như:
- Sự xa lạ đối với các kiến thức của chuẩn mực kế toán. Có một thực tế là ngay cả các quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cũng xa lạ đối với đa phần những người làm kế toán tại Việt Nam. Việc học và tìm hiểu về chuẩn mực thường phổ biến hơn trong giới kiểm toán và các cá nhân tham gia ôn thi chứng chỉ kiểm toán viên CPA của Bộ Tài Chính;
- Các khó khăn do sự khác biệt về mặt ngôn ngữ. Đối với thế hệ trẻ thì việc học sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với các anh chị kế toán lớn tuổi, khả năng đọc hiểu các tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh chưa được tốt thì việc học sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều;
- Bản thân bộ chuẩn mực IFRS cũng rất phức tạp.
2. Việc học IFRS có cần thiết hay không?
Bản thân tớ nghĩ rằng IFRS không phải là thứ mà tất cả kế toán đều phải học được bằng mọi giá. Bạn vẫn hoàn toàn có thể tiếp tục làm những công việc mà bạn đang làm, có thể ở một môi trường khác, mà không cần phải biết về IFRS. Tuy nhiên, tớ tin rằng việc học IFRS sẽ mang lại cho mỗi chúng ta những góc nhìn khác, những cơ hội nghề nghiệp mới mà trước đó chúng ta có thể không nghĩ tới. Vậy nên, việc học có cần thiết hay không, và cần thiết ở mức độ nào là do sự lựa chọn của mỗi người.
3. Việc học IFRS có khả thi hay không?
Nói một cách ngắn gọn thì việc học và tìm hiểu IFRS là hoàn toàn khả thi đối với tất cả mọi người cho dù bạn không có một nền tảng kiến thức kế toán tốt hay là khả năng ngoại ngữ còn nhiều hạn chế.
Bản thân tớ nghĩ rằng chúng ta không cần thiết phải thần thánh hóa, hay là quá lo sợ việc học IFRS. Bản thân IFRS chỉ đơn thuần là một bộ chuẩn mực hướng dẫn về việc ghi nhận và trình bày thông tin kế toán. Các nước trên thế giới đã áp dụng từ rất lâu rồi, và đây gần như là kiến thức kế toán cơ bản nhất mà bất kỳ một sinh viên kế toán nào cũng phải nắm được. Vậy nên IFRS chỉ lạ thôi, chứ hoàn toàn là thứ kiến thức có thể học được. Một vài năm nữa khi mà Việt Nam chính thức triển khai IFRS, khi đó số lượng nhân sự có kiến thức và kinh nghiệm về IFRS sẽ tăng lên. Lúc này thì IFRS sẽ trở thành một thứ gì đó cơ bản mà mọi người đều biết, thay vì là một thứ gì đó còn xa lạ với đa số mọi người như hiện tại.
4. Học IFRS mất bao lâu?
Tớ có thể nói rằng, việc học IFRS sẽ mất một thời gian đủ dài để có thể khiến cho rất nhiều người phải nản lòng. Tớ biết ngoài kia có rất nhiều các trung tâm, các khóa học quảng cáo có thể cung cấp cho người học một kiến thức chuẩn quốc tế với chỉ một vài chục giờ học. Còn tớ có thể chia sẻ thật lòng với mọi người rằng việc học IFRS sẽ mất nhiều thời gian hơn con số đó rất rất nhiều. Đôi khi thời gian học có thể được tính bằng số năm.
Vậy nên, trước khi bắt đầu theo đuổi IFRS, hãy chắc chắn rằng các bạn thực sự nghiêm túc. Đừng lãng phí thời gian, rồi lại bỏ cuộc giữa chừng.
5. Chi phí học IFRS?
Tớ nghĩ là chi phí bỏ ra cho việc học IFRS không hề nhỏ, đủ để khiến cho nhiều người phải cân nhắc về việc học. Bản thân tớ, tính tới thời điểm hiện tại cũng đã bỏ ra một khoản chi phí khoảng một vài chục triệu cho việc học, và đó là tớ tự học hoàn toàn. Tuy nhiên, những giá trị mà tớ nhận lại được lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà tớ bỏ ra. Vậy nên, đối với cá nhân tớ, số tiền mà tớ bỏ ra là hoàn toàn xứng đáng.
6. Nên tự học hay đi học trung tâm?
Dựa trên kinh nghiệm của cá nhân tớ thì việc học để đạt được hiệu quả cao nhất cần có sự kết hợp giữa tự học và tham gia vào các khóa học.
Tớ biết có rất nhiều kiến thức mà chúng ta có thể tự học hoàn toàn, từ kiến thức lập trình cho tới ngoại ngữ, … Tuy nhiên, bản thân tớ không khuyến khích mọi người tìm hiểu về IFRS bằng cách tự học hoàn toàn. Đây là lời khuyên của cá nhân tớ, một người hoàn toàn tự học IFRS. Vậy nên tớ biết được những khó khăn mà các bạn sẽ gặp phải nếu như lựa chọn con đường này. Một trong những vấn đề tiêu biểu nhất là lượng thời gian khổng lồ mà bạn sẽ phải tiêu tốn để tìm hiểu về một nội dung khó, hoặc là sự không chắc chắn trong kiến thức mà chúng ta học. Đôi khi, chúng ta có thể hiểu sai hoàn toàn một nội dung so với tinh thần của chuẩn mực. Và khi tự học, sẽ không có ai để sửa cho ta những sai lầm như vậy.
Vậy nên, khi mới bắt đầu tìm hiểu về IFRS, con đường hiệu quả nhất mà chúng ta có thể đi, đó là tham gia vào một khóa học để xây dựng một kiến thức nền tảng để từ đó phát triển lên các kiến thức chuyên sâu hơn sau này.
a) Học trung tâm
– Ưu điểm:
+ Tiết kiệm thời gian;
+ Có giảng viên định hướng và giúp đỡ những khó khăn trong quá trình học ban đầu;
– Nhược điểm:
Khóa học chỉ cung cấp cho người học những kiến thức gần như cơ bản nhất;
b) Tự học
– Ưu điểm:
Xây dựng được các kiến thức chuyên sâu về chuẩn mực mà các trung tâm đào tạo sẽ không đề cập tới;
– Nhược điểm:
+ Việc tự học các kiến thức ngay từ đầu sẽ rất khó và dễ nản chí;
+ Mất nhiều thời gian cho việc xây dựng các kiến thức nền tảng ban đầu;
+ Không có người hỗ trợ trong giai đoạn học ban đầu.
7. Khi học nên sử dụng tài liệu gốc bằng tiếng Anh hay sử dụng bản dịch tiếng Việt?
Lời khuyên của tớ là, nếu có thể, chúng ta nên sử dụng tài liệu gốc bằng tiếng Anh khi học để có thể tiếp thu được các kiến thức một cách tốt nhất. Một vài lí do mà trên quan điểm của tớ khiến cho tài liệu tiếng Anh tốt hơn tài liệu tiếng Việt bao gồm:
– Tài liệu hỗ trợ. Việc tìm kiếm tài liệu hỗ trợ bằng tiếng Anh bao giờ cũng dễ dàng hơn các tài liệu với cùng chủ đề bằng tiếng Việt. Phải nói là các tài liệu bằng tiếng Việt về IFRS hiện tại có rất ít và nếu có thì cũng không thực sự chuyên sâu. Vậy nên, khi người học có khả năng tự nghiên cứu tài liệu bằng tiếng Anh thì cũng đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội để trau dồi chuyên môn hơn so với những người khác có sự hạn chế trong nguồn tài liệu tiếp cận;
– Chất lượng bản dịch. Mặc dù rất cố gắng nhưng thực sự việc chuyển ngữ một bộ chuẩn mực gặp rất nhiều khó khăn và đôi khi, việc dịch không thực sự sát nghĩa. Đối với cá nhân tớ, việc đọc hiểu chuẩn mực tiếng Anh dễ dàng hơn rất nhiều so với khi tớ đọc một nội dung tương đương được dịch ra tiếng Việt.
Tất nhiên là, trong điều kiện có sự hạn chế về mặt ngoại ngữ thì việc tham khảo các tài liệu dịch bằng tiếng Việt cũng là một điều rất tốt. Dù sao thì có học vẫn tốt hơn là không học.
Một số khóa học nổi bật