Nói thực lòng thì bản thân tớ cũng không biết làm cách nào để trở thành một kế toán giỏi. Có thể sau này khi giỏi hơn, tớ có thể quay lại chia sẻ với các bạn về vấn đề này. Nhưng ít nhất, tớ biết những điều đang ngăn cản bạn trên con đường trở thành một kế toán giỏi.
Bài viết này viết riêng cho nghề kế toán, nhưng cũng có thể áp dụng cho các ngành nghề khác.
1. Học, học nữa, học mãi
Hãy chắc chắn rằng bạn có một sự đầu tư nghiêm túc cho việc học. Bạn cần phải nhìn thấy được tầm quan trọng mang tính thiết yếu của việc học, hay nói theo một ngôn ngữ đơn giản hơn, đó là chấp nhận học hay bị đào thải.
Bạn có thể lựa chọn học bất kỳ mảng kiến thức hay kỹ năng gì bổ trợ cho công việc của mình. Hãy làm sao để việc học của bạn trở nên chủ động hơn, thay vì bị động. Tức là bạn lựa chọn việc học, thay vì bị ép buộc phải học.
Có những người đầu tư rất nhiều tiền bạc, thời gian và công sức cho việc học, nhưng cũng có những người, ngay cả khi được tạo điều kiện để học thì họ cũng không biết trân trọng cơ hội đó. Họ không biết được mình đang may mắn như thế nào.
Có những người, bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn luôn sẵn sàng bỏ ra chi phí và thời gian cho việc học. Cũng có những người, được tạo cơ hội để học tập, nhưng lại bận đi du lịch. Tin tớ đi, nếu như biết được xã hội ngoài kia, mọi người cố gắng nhiều thế nào, cả bạn, cả tớ đều sẽ thấy thật hổ thẹn. Dân kiểm toán, có những lúc cao điểm, làm việc tới 10-12 tiếng một ngày nhưng về tới nhà vẫn tiếp tục học tới khuya. Vậy nên, bạn nghĩ rằng bản thân không có thời gian cho việc học, hãy nghĩ lại.
Học chưa chắc đã giỏi. Nhưng không học thì chắc chắn không bao giờ có thể giỏi được. Đấy là nói một cách khách quan thì như vậy. Còn nói một cách chủ quan thì, tớ chưa từng gặp bất kỳ ai chịu khó học mà không giỏi cả. Người yêu cũ có thể phản bội bạn, nhưng kiến thức thì không. Những cố gắng của bạn ngày hôm nay chắc chắn sẽ mang lại trái ngọt trong tương lai.
Hãy chắc chắn rằng, mỗi ngày trôi qua là một ngày bạn học được những kiến thức mới. Đừng để bất kỳ ngày nào trôi qua một cách lãng phí mà chúng ta không học thêm được gì cả.
2. Đừng tự giới hạn năng lực của bản thân mình
Một sai lầm khác mà các bạn kế toán trẻ cũng thường hay mắc phải, đó là họ thường nghĩ rằng cái này không cần học, cái kia cũng không cần học.
Những người học nhiều nhất lại là những anh chị kế toán đã lớn tuổi. Những người đã làm nghề 10 năm, thậm chí 15 năm, 20 năm. Các bạn trẻ nghĩ gì khi thấy các anh chị lớn tuổi vẫn miệt mài với việc tiếp cận với kiến thức mới hàng ngày, trong khi lứa trẻ lại chính là nhóm đối tượng sợ với việc phải học các kiến thức mới.
Rồi các bạn nghĩ sao khi nhiều bạn trẻ khác, từ khi còn là sinh viên đã theo đuổi các chứng chỉ chuyên môn quốc tế như là ACCA, ACA, CFA, … Có thể một phần các bạn đó may mắn hơn so với các bạn đồng trang lứa khác, khi được hỗ trợ về tài chính để theo đuổi các chương trình danh giá này. Nhưng điều mà tớ muốn nói ở đây đó là các bạn trẻ ấy thực sự nghiêm túc với những gì mà các bạn ấy đang làm, ngay từ khi vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Có những bạn ra trường một vài năm đã chinh phục được đủ các bằng cấp quốc tế. Cũng có những bạn, sau nhiều năm ra trường, vẫn đang nghĩ rằng IFRS là gì? Có ăn được không? Chắc 5 năm nữa mình vẫn chưa phải học cái của nợ này đâu nhỉ?
Lời khuyên của tớ dành cho các bạn trẻ: đừng coi thường bất kỳ một kiến thức nào, và đừng tự giới hạn năng lực của bản thân mình cũng như những gì mà các bạn sẽ học.
Bạn sẽ không biết là mình có thể làm được những gì, cho tới khi bạn thực sự thực hiện chúng. Vậy nên, hãy lựa chọn một mảng kiến thức mà bạn yêu thích để theo đuổi với mục tiêu trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó, nhưng cũng hãy cho những mảng kiến thức khác một cơ hội.
Còn nếu như bạn vẫn chưa biết mình thích gì, có điểm mạnh ở lĩnh vực gì, vậy thì hãy thử càng nhiều càng tốt. Nếu như có cơ hội học một mảng kiến thức mới, miễn phí, thì nhất quyết đừng bỏ qua nó. Và cho dù có phải trả phí để học thử, thì cũng hãy đừng ngần ngại. Hãy cho bản thân mình một cơ hội để thay đổi.
Ngay cả kiến thức lập trình, một mảng kiến thức nhìn có vẻ chẳng liên quan gì tới cái nghề kế toán cả, cũng có thể mang lại cho bạn những cơ hội nghề nghiệp mà trước đó bạn không hề nghĩ tới.
3. Đừng tự giới hạn con đường sự nghiệp của bản thân
Các bạn biết sự khác biệt cơ bản nhất giữa dân làm kiểm toán và dân làm kế toán là gì không?
Dân kế toán đa phần nghĩ rằng cả đời mình sẽ làm kế toán. Còn dân kiểm toán đa phần không biết được sau này mình sẽ làm gì, chỉ biết là chắc chắn đó không phải là kiểm toán. True story.
Câu chuyện ở trên là nói cho vui thôi, nhưng cũng phản ánh một tình trạng trong thực tế. Dân kế toán quá gói gọn những công việc mà mình có thể làm, suốt ngày đầu óc chỉ quanh quẩn trong ba cái mớ hồ sơ, chứng từ và thuế. Còn đối với dân kiểm toán, lựa chọn nghề nghiệp của họ rộng mở hơn rất nhiều. Họ có thể tiếp tục làm kiểm toán độc lập, hoặc chuyển qua làm tài chính, tư vấn thuế, kế toán tổng hợp, kế toán trưởng, kiểm toán nội bộ, …
Dân kiểm toán không gói gọn bản thân mình trong bất cứ một công việc nào cả. Họ tự chủ động lựa chọn con đường mà họ sẽ đi.
Có rất nhiều bạn trẻ tìm tới tớ để nhờ tư vấn những vấn đề kiểu dạng như: Em học kiểm toán thì sau này có thể làm công việc gì hả anh? Hay là em không học kiểm toán thì sau này có làm được kiểm toán không anh?
Với những câu hỏi đó, tớ chỉ đưa ra cho các bạn ấy một câu trả lời duy nhất: Những gì bạn học hôm nay có thể sẽ chẳng liên quan gì tới công việc mà bạn sẽ làm sau khi ra trường cả. Và công việc mà bạn đang làm hiện tại cũng có thể sẽ chẳng phải là công việc mà bạn sẽ làm suốt cả cuộc đời này.
Học kiểm toán không nhất thiết ra trường phải làm kiểm toán. Và không học kiểm toán, không có nghĩa là ra trường không thể làm kiểm toán. Học gì, làm gì, quyết định theo đuổi sự nghiệp như thế nào là ở quyết định của mỗi người.
Vậy nên, đừng tự giới hạn con đường sự nghiệp của mình, dù bằng cách này hay cách khác.
Có thể bạn không biết, nhưng nghề kế toán rất rộng.
Tớ biết, hàng ngày, bạn vẫn được các trung tâm đào tạo kế toán tiêm nhiễm vào đầu về những trường hợp thành công trong nghề. Nào là có kinh nghiệm kế toán trưởng hàng chục năm trong đủ các loại hình doanh nghiệp, rồi thì khi quyết toán thuế có thể bảo vệ chi phí thành công mà doanh nghiệp không phải nộp phạt.
Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng tớ không có bất kỳ vấn đề gì với những trường hợp đó cả. Họ có chuyên môn tốt, họ làm được những điều mà không nhiều người làm được, và họ có thể tự hào về việc đó. Bạn cũng có thể lấy đó để làm hình mẫu mà bạn muốn theo đuổi.
Tuy nhiên, đó chỉ là một khía cạnh của kế toán, một khía cạnh rất nhỏ thôi.
Kế toán, đôi khi là việc kiểm soát chi phí, đôi khi là việc lập kế hoạch ngân sách, đánh giá ảnh hưởng của chính sách kế toán – tài chính, và đôi khi là việc phân tích thông tin để đưa ra quyết định kinh doanh.
Tất cả đều là kế toán.
Kế toán không phải là những gì mà bạn đang làm, nó là những gì mà bạn có thể làm. Vậy nên, nếu như bạn không muốn cả đời chìm đắm trong sổ sách, chứng từ và thuế, hãy thử tiếp cận với kế toán theo một góc độ khác.
Và xa hơn, ngày hôm nay làm kế toán, không có nghĩa là cả đời làm kế toán. Đừng tự giới hạn con đường sự nghiệp của mình.
Một số khóa học nổi bật