HyperCore – Một đơn vị cung cấp dịch vụ máy chủ ảo tử tế

Mình bắt đầu sử dụng hệ thống máy chủ ảo của HyperCore kể từ tháng 08 năm 2023, đến thời điểm viết bài hiện tại (tháng 01 năm 2024) là đã được hơn nửa năm. Và có nhiều điều mà mình muốn nói về đơn vị cung cấp dịch vụ này.

Đầu tiên, cho ai chưa biết thì HyperCore là một đơn vị cung cấp dịch vụ VPS (Virtual Private Server) và Cloud Server (mình gọi chung là máy chủ ảo) tại Việt Nam. Địa chỉ website cung cấp dịch vụ của công ty này tại địa chỉ https://hypercore.vn/

Thời điểm năm 2023, mình đang sử dụng dịch vụ máy chủ ảo của Speedy Page, vị trí máy chủ đặt tại Singapore. Máy chủ mình thuê của Speedy Page có thời hạn tới tháng 11 năm 2023, nhưng tới tháng 8 thì mình chuyển sang sử dụng dịch vụ máy chủ của HyperCore (chấp nhận mất 4 tháng tiền thuê tại Speedy Page). Dưới đây là câu chuyện của mình. Mình là dân kinh tế, không có nhiều kiến thức về kỹ thuật, nên những gì mình chia sẻ dưới đây nó mang tính trải nghiệm của người dùng nhiều hơn là những bài chia sẻ về benchmark của các bạn chuyên review về loại hình dịch vụ này.

1. Cơ duyên của mình và HyperCore

Nói qua về mình một chút, thì mình làm kinh doanh trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế. Mình có một dự án về đào tạo trực tuyến trên chính nền tảng aiec.vn này. Giai đoạn tháng 08 năm 2023, mình muốn triển khai thêm một dự án đào tạo nữa tên là AIEC Mentoring Program và mình cần xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến dựa trên mã nguồn BigBlueButton. Và vấn đề của mã nguồn này đó là nó đòi hỏi cấu hình máy chủ rất cao, khoảng 4 core vcpu và 16 gb ram. Trong quá trình tìm kiếm một đơn vị cung cấp dịch vụ máy chủ cho dự án này thì mình tình cờ biết tới HyperCore thông qua một bài viết trên diễn đàn voz.vn mà mình hay sinh hoạt. Đợt đó HyperCore đang có chương trình ưu đãi giảm giá khoảng 60-70% giá thuê máy chủ, với một mức giá thuê rất hấp dẫn nên mình đã quyết định sử dụng thử dịch vụ của đơn vị này. Và hiện tại mình vẫn đang sử dụng máy chủ của HyperCore để chạy cho các dự án chính thức của mình.

2. Dịch vụ hiện tại mình đang sử dụng tại HyperCore

Hiện tại mình đang thuê 3 máy chủ tại HyperCore với thông tin lần lượt như sau:

  • Một cloud server chạy windows với cấu hình 4 vcpu intel Xeon Gold và 8 gb ram dùng để làm máy chủ kế toán, giá thuê là 1.650.000 đồng/năm;
  • Một AMD EPYC VPS chạy debian với cấu hình 4 vcpu và 8 gb ram dùng để chạy hệ thống đào tạo trực tuyến tại địa chỉ https://aiec.vn với giá thuê là 1.100.000 đồng/năm; và
  • Một AMD EPYC VPS chạy Ubuntu với cấu hình 4 vcpu và 16 gb ram dùng để chạy hệ thống họp và đào tạo trực tuyến tại địa chỉ https://meet.aiec.vn với giá thuê là 3.190.000 đồng/3 năm.

3. Các dịch vụ mình từng sử dụng

Mình từng sử dụng một số dịch vụ máy chủ ảo của các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài bao gồm Digital Ocean và Speedy Page. Đối với đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước thì mình từng sử dụng dịch vụ của Bizfly Cloud và Viettel IDC.

Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài thì mình thấy dịch vụ của họ rất tốt kèm theo giá cả hợp lý, tuy nhiên có nhược điểm là máy chủ được đặt tại nước ngoài nên tốc độ kết nối về Việt Nam không được tốt. Ở Việt Nam thì lại thường xuyên bị đứt cáp nên ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng rất nhiều.

Còn các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước sẽ mang lại tốc độ kết nối tốt hơn rất nhiều, nhưng lại có giá thuê đắt hơn nhiều so với đơn vị cung cấp dịch vụ nước ngoài với cùng một cấu hình.

4. Lý do mình lựa chọn HyperCore

Lý do chính mà mình đến với HyperCore là bởi giá thuê máy chủ tại đây rẻ hơn các đơn vị cung cấp dịch vụ khác của Việt Nam mà mình từng sử dụng. Để so sánh thì nếu mình thuê một máy chủ với cấu hình tương tự tại Bizfly Cloud thì giá thuê sẽ vào khoảng 2.276.815 đồng/tháng, còn máy chủ với cấu hình tiêu chuẩn 4 vcpu, 8gb ram tại Viettel IDC cũng có giá thuê là khoảng 800.000 đồng/tháng. Với số tiền thuê một tháng đó, mình có thể thuê máy chủ tại HyperCore trong một năm. Mức chênh lệch về giá đó quá hấp dẫn nên mình không cần phải suy nghĩ gì thêm cả, cứ thế quyết định xuống tiền luôn.

Tất nhiên, so sánh của mình phía trên về giá dịch vụ chỉ mang tính tương đối thôi, vì máy chủ của Bizfly Cloud và Viettel IDC là cloud server còn máy chủ mình thuê từ HyperCore chỉ là VPS. Giá mình thuê cloud server của HyperCore đắt hơn một chút, nhưng vẫn rẻ hơn rất nhiều khi so sánh với hai nhà cung cấp phía trên.

Sở dĩ có giá rẻ như vậy, mình nghĩ là do mình là một trong những khách hàng đầu tiên sử dụng dịch vụ của HyperCore khi đấy, và họ tung ra các chương trình ưu đãi rất lớn để thu hút người dùng trong giai đoạn này. Nên nếu các bạn sau khi đọc xong bài viết này và kỳ vọng có thể có được một deal tương tự như mình thì mình nghĩ là ở thời điểm hiện tại sẽ không có.

Tuy nhiên, HyperCore rất hay tung ra các chương trình khuyến mãi. Tại thời điểm viết bài này, họ cũng đang có một chương trình khuyễn mãi giới hạn số lượng như hình ảnh bên dưới:

Và kể cả khi không có các chương trình khuyến mãi thì với cá nhân mình, giá thuê máy chủ tại HyperCore vẫn rất hấp dẫn khi so sánh với các đơn vị cung cấp dịch vụ khác.

5. Lý do khiến mình ở lại với HyperCore

Nếu như lý do để mình biết tới và quyết định sử dụng dịch vụ của HyperCore là do giá sử dụng dịch vụ hấp dẫn thì lý do để mình quyết định ở lại và sử dụng chính thức các dịch vụ của HyperCore nằm ở chất lượng dịch vụ do đơn vị này cung cấp.

Ở tiêu đề bài viết thì mình dùng từ “tử tế” để miêu tả về chất lượng dịch vụ của HyperCore. Vậy thì dịch vụ ở đây như thế nào để có thể khiến mình đưa ra một đánh giá như vậy?

5.1 Máy chủ cấu hình cao

Thông thường, khi mọi người đi thuê máy chủ thì thường chỉ chú ý tới việc máy chủ này có mấy core cpu mà đôi khi chúng ta không biết được máy chủ đó chạy loại cpu gì, bộ vi xử lý có mạnh hay không. Cloud server mà mình thuê tại HyperCore sử dụng CPU Intel Xeon Gold, còn VPS thì là AMD EPYC 7402P. Mình không phải là dân kỹ thuật nên không dám khẳng định CPU như vậy thì là xịn hay không. Tuy nhiên, với hiểu biết cơ bản của mình thì chỉ khi mình thuê các dòng máy chủ cao cấp (Enterprise tại Bizfly Cloud và máy chủ cao cấp tại Viettel IDC) thì mình mới được sử dụng các dòng cpu cao cấp với bộ vi xử lý mạnh. Hệ thống đào tạo trực tuyến mà mình đang chạy chủ yếu yêu cầu các tác vụ liên quan đến xử lý media, nên việc có một bộ vi xử lý mạnh là điểm cộng đối với mình. Việc bỏ ra cùng một đồng tiền, nhưng được sử dụng máy chủ với cấu hình mới hơn và xịn xò hơn thì ai mà chẳng thích nhỉ?

5.2 Máy chủ không bị oversell

Mình luôn tin vào sự đánh đổi. Tức là khi mình trả ra một cái giá thấp để sử dụng dịch vụ, thì mình cũng không kỳ vọng sẽ nhận lại được một dịch vụ chất lượng. Đối với các dịch vụ máy chủ ảo giá rẻ, thông thường các đơn vị cung cấp dịch vụ duy trì giá thành rẻ như vậy nhờ vào việc oversell tài nguyên của máy chủ. Vậy oversell là gì?

Hiểu một cách đơn giản thì bộ vi xử lý mà chúng ta thuê là vcpu hay virtual cpu. Tức là từ một core cpu vật lý mà bên cung cấp dịch vụ sẽ sử dụng các phương pháp ảo hóa để tạo ra nhiều cpu ảo. Và các máy chủ ảo sẽ cùng chia sẻ với nhau sức mạnh của cpu vật lý này. Số lượng máy chủ ảo càng nhiều thì sức mạnh của cpu vật lý càng phải chia nhỏ ra cho nhiều người và tỷ lệ xảy ra tranh chấp về mặt tài nguyên càng lớn. Mặc dù cpu mà chúng ta thuê nhiều core, nhưng khi chạy các tác vụ thì sẽ thấy máy chạy rất chậm do xảy ra tranh chấp tài nguyên với các máy chủ ảo khác trên cùng hệ thống.

Với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Bizfly hay Viettel IDC thì chúng ta có thể yên tâm về vấn đề này. Tức là về cơ bản thì tài nguyên mà chúng ta nhận được từ phía nhà cung cấp sẽ đúng với cam kết. Tuy nhiên, bản thân mình thực sự rất bất ngờ khi mà qua quá trinh sử dụng thì mình không gặp phải tình trạng tranh chấp tài nguyên với các máy chủ ảo khác, mặc dù giá thuê của mình phải nói là rất rẻ. Ít nhất mình cũng kỳ vọng là các đợt săn sale như của mình có thể sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sử dụng dịch vụ, kiểu như là server dùng để sale sẽ hoạt động kém hơn các server thông thường ấy. Nhưng may mắn một điều là thực tế sử dụng mình không gặp phải tình trạng này, coi như là cộng một điểm thiện cảm cho phía HyperCore.

5.3 Băng thông 1Gbps

Đây là thứ mà các bên cung cấp dịch vụ khác sẽ tính thêm phí, và đối khi mức phí mà họ tính thêm không hề dễ chịu chút nào. Dự án mình làm là về đào tạo trực tuyến, nên bên cạnh việc cần một cpu có sức mạnh thì mình cũng cần một đường truyền đủ nhanh để mang lại trải nghiệm học tập tốt nhất cho các khách hàng của mình.

Tại thời điểm mình đăng ký sử dụng dịch vụ của HyperCore thì các máy chủ mình đăng ký đều có cổng mạng là 1Gbps, đối với cá nhân mình là một điểm cộng rất lớn.

Còn hiện tại, khi mình xem lại dịch vụ tại trang chủ của HyperCore thì đa phần các máy chủ chỉ còn băng thông từ 200 Mbps đến 300 Mbps. Mình không rõ là thay đổi này có áp dụng đối với các máy chủ cũ không hay chỉ áp dụng với các máy chủ thuê mới. Mình vừa test lại thì cloud server của mình vẫn có tốc độ 1 Gbps. Có lẽ sau một thời gian hào phóng với người dùng thì bên HyperCore cũng đã phải thắt chặt lại chính sách để kiểm soát chi phí, cũng hơi buồn một chút. Nếu chính sách với các máy chủ cũ không có gì thay đổi thì mình cũng cảm thấy may mắn vì đồng hành cùng với HyperCore từ những ngày đầu nên được hưởng những chính sách ưu đãi hơn về giá và chất lượng dịch vụ.

5.4 Hỗ trợ sau bán hàng

Dịch vụ hỗ trợ sau bán hàng của HyperCore rất tốt. Nếu gặp phải bất kỳ vấn đề gì thì bạn chỉ cần tạo ticket và chỉ vài phút sau, sẽ có nhân viên kỹ thuật hỗ trợ bạn khắc phục vấn đề. Nói chung là mình hoàn toàn hài lòng về dịch vụ hỗ trợ của bên này.

Mong là sau này khi công việc kinh doanh phát triển, HyperCore vẫn sẽ giữ được tinh thần hỗ trợ khách hàng như hiện tại.

5.5 Tinh thần cầu toàn

HyperCore vẫn là một thương hiệu mới và do vậy, vẫn sẽ có những lúc dịch vụ gặp phải những vấn đề nhất định (mà mình sẽ kể bên dưới). Tuy nhiên, mỗi lần như vậy thì mình đều được các bạn bên này hỗ trợ rất nhiệt tình, kèm theo lời xin lỗi và cộng thêm vào thời hạn sử dụng máy chủ. Mình có cảm giác được phục vụ rất tận tình khi sử dụng dịch vụ của HyperCore, mong là các bạn ấy vẫn sẽ giữ mãi tinh thần này.

6. Những điểm chưa tốt

HyperCore không hẳn là không có lỗi đâu. Nếu so với ông lớn trong ngành là Bizfly Cloud sẽ chưa thể so sánh được về mức độ ổn định của hệ thống. Tuy nhiên, với số tiền mà mình bỏ ra so với chất lượng dịch vụ mà mình nhận được thì mình cảm thấy hài lòng.

Một số lỗi mà mình gặp phải trong quá trình sử dụng có thể kể đến như:

  • Uptime của hệ thống: Đã có một trường hợp EPYC VPS bị down time đâu đó khoảng 30 phút. Cũng có một thời gian cloud server chạy windows của mình gặp tình trạng bị khởi động lại. Ban đầu mình nghĩ có thể là do windows update nên tự khởi động lại, nhưng dạo gần đây mình ít gặp tình trạng này nên mình nghĩ có thể do hệ thống khi đó chưa ổn định. Còn EPYC VPS mình không rõ có bị khởi động lại giống cloud server hay không, vì mình cài linux trên các máy chủ này nên cũng không để ý lắm về vấn đề uptime.
  • Tốc độ kết nối đến máy chủ: Trước thời điểm mình viết bài này thì có một khoảng thời gian kết nối đến máy chủ bị chậm. Phía HyperCore có phản hồi là máy chủ của họ đang bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Ngoài vấn đề đó ra thì mình đánh giá tốc độ kết nối với máy chủ về cơ bản là tốt, thời gian gần đây cũng ít gặp tình trạng kết nối bị chậm, chắc bên phía Data Center đã hỗ trợ chặn các cuộc tấn công lại.

7. Lời kết

Bản thân mình cảm thấy biết ơn với HyperCore vì nhờ có mức giá thuê máy chủ hợp lý mà mình đã có cơ hội để triển khai hạ tầng cho dự án đào tạo cũng như máy chủ kế toán để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Bài viết này như là một cách để mình, một khách hàng, gửi lời tri ân cho HyperCore. Chúc HyperCore ngày càng được mọi người biết đến và sử dụng dịch vụ nhiều hơn cũng như chúc cho công việc kinh doanh của công ty ngày một phát triển.

Subscribe
Notify of
guest

5 Bình luận
Oldest
Newest
Inline Feedbacks
View all comments