Omission Bias và Regret Theory là hai khái niệm thuộc về tài chính hành vi.
Omission Bias đề cập tới xu hướng của chúng ta trong việc đánh giá rằng các hành vi gây hại một cách chủ động thì tồi tệ hơn so với việc không hành động dẫn tới kết quả có hại, ngay cả khi chúng dẫn đến những hậu quả tương tự.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm này, chúng ta hãy cùng xem xét hai tình huống sau:
Tình huống 1:
A gây tai nạn cho B và bỏ chạy. C nhìn thấy vụ tai nạn, nhưng lại bỏ qua mà không tìm cách để cấp cứu y tế cho B. Hậu quả là B qua đời do không được chăm sóc y tế kịp thời.
Hành động gây tai nạn của A và hành vi bỏ mặc người gặp nạn của C đều dẫn tới một kết quả. Trong thực tế, hành vi của A sẽ nhận về nhiều chỉ trích hơn so với C.
Tình huống 2:
Bạn đang đi bộ thì thấy một chiếc xe đang chạy lao thẳng xuống đường ray. Một nhóm năm người đang ở trong đường đi của chiếc xe trên, và không kịp di chuyển ra khỏi con đường để thoát thân. Bạn thấy có một cần gạt gần bạn có thể chuyển hướng của xe sang một bộ đường ray khác. Tuy nhiên, bạn nhận thấy một người đàn ông đang đứng trên đường ray còn lại cũng sẽ không thể thoát ra nếu bạn kéo cần.
Bạn thấy mình đang ở trong tình thế khó xử về mặt đạo đức với hai lựa chọn. Bạn có thể a) không làm gì và để xe đẩy giết năm người hoặc b) kéo cần và giết một người để cứu năm người. Điều đúng đắn cần làm là gì?
Mặc dù không có phương án nào là tối ưu, nhưng hầu hết mọi người sẽ đồng ý rằng phương án b là phù hợp nhất về mặt logic. Tuy nhiên, bạn cảm thấy hành động kéo cần gạt và giết chết một người sẽ mang lại cảm giác tội lỗi hơn là việc không hành động dẫn đến cái chết của năm người. Mặc dù hậu quả của việc chọn phương án a là tồi tệ hơn, nhưng mong muốn của chúng ta để tránh bất kỳ hành động có hại nào (và việc bị đổ lỗi sau đó) ảnh hưởng trực tiếp tới lựa chọn mà chúng ta đưa ra.
Regret Theory cho rằng chúng ta đưa ra một số quyết định dựa trên dự đoán về việc chúng ta sẽ cảm thấy hối hận thế nào nếu như kết quả của quyết định đó không theo như những gì mà chúng ta mong muốn.
Vậy cụ thể, hai khái niệm này ảnh hưởng tới quyết định của người tiêm vacxin như thế nào? Chúng ta hãy cùng xem xét tình huống dưới đây:
Tình huống 3:
Một dịch cúm đang tấn công cộng đồng của bạn. Bệnh cúm này có thể gây tử vong cho trẻ em dưới ba tuổi. Xác suất để một đứa trẻ mắc bệnh cúm là 1/10, và 1/100 trẻ em bị cúm sẽ chết vì nó. Điều này có nghĩa là theo thống kê, cứ 10.000 trẻ em trong cộng đồng của bạn thì có 10 trẻ sẽ chết vì dịch cúm.
Một loại vacxin cho loại cúm này đã được phát triển và thử nghiệm. Vacxin này giúp loại bỏ hoàn toàn rủi ro bị mắc bệnh cúm. Tuy nhiên, vacxin có những tác dụng phụ có thể gây tử vong. Giả sử rằng vắc xin có tỷ lệ tử vong là 0,05%; tức là, bản thân vacxin này đã gây tử vong ở 5 trong số 10.000 trường hợp. Bạn có một cô con gái hai tuổi. Bạn có lựa chọn tiêm phòng cho cô bé hay không?
Nhiều người trả lời KHÔNG cho câu hỏi này, mặc dù thực tế là đứa trẻ có tỷ lệ sống sót tốt hơn khi được tiêm vacxin khi so với trường hợp không tiêm.
Chúng ta không muốn trở thành tác nhân trực tiếp gây ra các rủi ro cho con cái của mình:
– Nếu cô bé gặp nguy hiểm do vacxin, chúng ta tự trách mình vì chính chúng ta đã quyết định tiêm vacxin cho cô bé.
– Nếu cô bé mắc bệnh do lây nhiễm trong cộng đồng, căn bệnh này có thể được đổ lỗi cho các lý do khách quan.
Tình huống 4:
Trước khi vacxin bại liệt được ra đời, vào những năm 1950, dịch bệnh bại liệt lan rộng hầu như hằng năm. Trong hầu hết các ca bệnh, triệu chứng của bại liệt đều thuyên giảm và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, trong khoảng 1 trên 100 ca bệnh, bệnh bại liệt dẫn đến bệnh nhân sẽ bị liệt và mất khả năng sử dụng một hoặc cả hai tay và chân và đôi khi bệnh nhân sẽ bị như vậy suốt đời. Vì vậy căn bệnh này được biết đến là bệnh bại liệt ở trẻ sơ sinh.
Ở những năm 1950, hai loại vacxin bại liệt đã được phát minh gần như cùng lúc. Một loại được phát minh bởi Jonas Salk, tên của ông được đặt cho vacxin này, vacxin này sử dụng những chủng virus bại liệt đã bị vô hiệu hóa hoặc bị giết chết. Tuy nhiên loại vacxin này không đạt hiệu quả 100%, những đứa trẻ được tiêm vacxin Salk vẫn có khả năng thấp mắc bại liệt nếu tiếp xúc với người bị nhiễm.
Giai đoạn sau của năm 1950, Albert Sabin nỗ lực để cải tiến vacxin Salk bằng cách sử dụng virus còn sống. Vacxin Sabin được giới thiệu vào những năm 1960 và cho phép bảo vệ một trăm phần trăm chống lại dịch bệnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp rất hiếm hoi, Sabin bị cho là có khả năng gây ra bại liệt, vì nó chứa virus còn sống. Tuy nhiên, khả năng mắc bại liệt trực tiếp từ vacxin Sabin nhỏ hơn đáng kể so với mắc bại liệt do lây nhiễm từ cộng đồng sau khi tiêm vacxin Salk.
1. Nếu bạn là cha mẹ vào những năm 1950, bạn sẽ mong muốn tiêm cho con của mình loại vacxin nào?
2. Tùy thuộc vào lựa chọn của các gia đình khác về loại vacxin được sử dụng để tiêm cho con cái của họ, câu trả lời của bạn có thể thay đổi như thế nào?
1. Omission Bias gợi ý rằng cha mẹ có thể thích phiên bản vacxin Salk đôi khi thất bại trong việc bảo vệ trước dịch bệnh hơn là vacxin Sabin có khả năng bảo vệ cao nhưng có rủi ro gây ra bệnh trong một số trường hợp hiếm gặp.
2. Càng nhiều trẻ em được tiêm vacxin Sabin thì khả năng con bạn mắc phải bệnh do lây nhiễm trong cộng đồng càng thấp và do đó bạn sẽ cảm thấy an toàn hơn với vacxin Salk.
Động cơ khuyến khích các bậc cha mẹ không cho con mình sử dụng loại vacxin mang rủi ro y tế nhỏ, khi biết rằng con họ sẽ không mắc bệnh trong cộng đồng vì tất cả những đứa trẻ khác đã được tiêm chủng, được gọi là Free Riding.
Các bằng chứng khác về Omission Bias có thể được tìm thấy trong lịch sử tố tụng chống lại các nhà sản xuất vacxin:
– Chúng ta có xu hướng yêu cầu các nhà sản xuất vacxin chịu trách nhiệm về bất kỳ tác dụng phụ nào của vacxin, nhưng không yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm nếu như vacxin không bảo vệ được chúng ta trước dịch bệnh.
– Ví dụ, vào năm 1987, công ty dược phẩm Lederle dành 70% giá bán của vacxin bại liệt Sabin như một khoản dự phòng cho các vụ kiện pháp luật.
– Không có nhà sản xuất vacxin nào từng bị kiện vì không ngăn ngừa được bệnh với phiên bản vacxin Salk.
Một số khóa học nổi bật